Ngực sùi to như súp lơ vì đắp thuốc lá chữa ung thư

(Dân trí) - Nữ bệnh nhân 38 tuổi vào viện trong tình trạng ngực trái lở loét, hoại tử, thành khối sùi to như súp lơ vì đắp lá chữa ung thư vú.

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, nữ bệnh nhân 38 tuổi nhập viện trong tình trạng ngực lở loét, hoại tử nặng nề...

Ngực sùi to như súp lơ vì đắp thuốc lá chữa ung thư - 1

Cách đây 2 năm, khi đi khám tại Bệnh viện K trung ương, bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư vú trái, được các bác sĩ tư vấn cần thực hiện phẫu thuật và điều trị.

Tuy nhiên bệnh nhân đã từ chối điều trị, trở về nhà tìm các phương pháp dân gian như uống thuốc lá, đắp thuốc lá.

Suốt hai năm, bệnh nhân kiên trì uống thuốc lá và đắp lá với mong muốn khối u sẽ nhỏ đi. Tuy nhiên, khối u không nhỏ mà còn lở loét, chảy mủ, hoại tử và đã di căn phổi.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân sẽ không còn cơ hội điều trị triệt căn vì ung thư vú đã di căn.

Trước đó, tháng 5/2020, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ 49 tuổi bị ung thư vú, di căn xương và không thể phẫu thuật điều trị vì đắp lá thuốc.

Các bác sĩ cảnh báo, việc tự uống thuốc hay đắp lá thuốc điều trị không có tác dụng trong điều trị ung thư. Tuy nhiên rất nhiều bệnh nhân vẫn tin tưởng vào tác dụng thần kỳ của lá thuốc và từ chối cơ hội điều trị ổn định căn bệnh ung thư của mình.

Khi có dấu hiệu ung thư vú, hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị đúng cách.ại Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư phổ biến hàng đầu ở nữ giới với tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi (ASR) vào năm 2013 là 24,4/100.000 dân (ước tính của GLOBOCAN năm 2018 là 26,4/100.000 dân).

Ngoài các yếu tố di truyền, nguy cơ ung thư vú có liên quan đến tuổi bắt đầu kinh nguyệt muộn, tuổi sinh con lần đầu trên 30 tuổi. Xu hướng mắc ung thư vú ở phụ nữ Việt Nam bắt đầu tăng từ độ tuổi 30-34 tuổi và tăng nhanh, đỉnh cao ở 55-59 tuổi với tỷ lệ là 135/100.000 dân.

Theo thống kê, hiện có khoảng 42.188 người đang sống cùng căn bệnh ung thư vú. Trước đây ung thư vú là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhưng ngày nay ung thư vú có thể sàng lọc, phát hiện sớm và tiên lượng điều trị tốt nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.

Với ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn sớm tỉ lệ chữa khỏi đến 95%. Tuy nhiên tại Việt Nam, vẫn có đến 50% bệnh nhân ung thư vú đến viện ở giai đoạn muộn, khi đã ở giai đoạn 3 – 4, lúc này khả năng chữa khỏi không còn cao.

Trước đây, khi chẩn đoán ung thư với nhiều người coi là "cửa tử", nhưng ngày nay, các nước tiên tiến đều coi ung thư như một bệnh mãn tính, sống chung với bệnh. Với ung thư vú, nhiều chị em suy sụp, mất tinh thần khi được chẩn đoán ung thư.

Nhưng trên thực tế, được phát hiện sớm, tỷ lệ điều trị ung thư vú thành công rất cao. Tại Bệnh viện K, tỷ lệ  chữa khỏi ung thư vú là 75%, tương đương như tại Singapore.

Vì thế các chuyên gia khuyến cáo chị em cần quan tâm đến việc tầm soát, sàng lọc ung thư vú, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường để đi khám. Rất nhiều bệnh nhân ung thư vú phát hiện sớm sống thêm 5-10 năm, thậm chí 20 năm, vẫn lấy chồng, sinh con như bình thường.

Tú Anh