Nghịch lý: Nhiều bệnh viện Mỹ phải sa thải nhân viên dù đang bị quá tải

(Dân trí) - Trước tình hình “thu không đủ chi” kéo dài, nhiều bệnh viện đã phải sa thải nhân viên hoặc cho nhân viên nghỉ phép không lương, ngay trong lúc họ đang trong tình trạng quá tải.

Nghịch lý: Nhiều bệnh viện Mỹ phải sa thải nhân viên dù đang bị quá tải - 1

Một nghịch lý đang xảy ra ngay giữa tâm dịch Covid-19 mới của thế giới: Trong lúc ngành y tế Mỹ đang thiếu hụt nguồn nhân lực cho cuộc chiến chống dịch, khi vẫn có hàng chục ngàn ca mắc mới Covid-19 nhập viện mỗi ngày, thì nhiều bệnh viện lại phải cắt giảm bớt nhân viên, vì tài chính khánh kiệt.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến chính phủ Mỹ buộc phải đưa ra các quyết sách, nhằm dồn tối đa nguồn lực để chống dịch, trong đó có yêu cầu hoãn hoặc hủy những phẫu thuật, thủ thuật điều trị không nằm trong diện “mang yếu tố sống còn với bệnh nhân”.

Một trong những mặt trái của chính sách này là khiến nguồn thu chính của các bệnh viện bị cắt giảm. Trong tình huống “thu không đủ chi” kéo dài, nhiều bệnh viện đã phải sa thải nhân viên hoặc cho nhân viên nghỉ phép không lương, ngay trong lúc họ đang trong tình trạng quá tải.

Nghịch lý: Nhiều bệnh viện Mỹ phải sa thải nhân viên dù đang bị quá tải - 2

Trường hợp của hệ thống y tế Bon Secours Mercy Health là một ví dụ. Là một ông lớn trong lĩnh vực y tế khi sở hữu đến 51 bệnh viện, trên 7 bang của nước Mỹ, nhưng mới đây Bon Secours Mercy Health đã tuyên bố sẽ phải cho 700 nhân viên của mình thôi việc. Vào tuần trước, một “ông lớn” khác là Ballad Health, đang vận hành 21 bệnh viện, cũng đã phải thông báo tin buồn này đến tổng cộng 1300 nhân viên.

Các nhà điều hành bệnh viện và chuyên gia phân tích nhấn mạnh rằng, không phải tất cả nhân viên bị cho nghỉ phép hoặc sa thải, đều liên quan trực tiếp tới việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Một số khác lại đưa ra lý do: Việc cho nhân viên nghỉ phép sẽ giúp giảm số người trong bệnh viện, qua đó hạn chế khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2, như một biện pháp giãn cách xã hội. Dù cách giải thích là gì, thực trạng này đang tạo thêm áp lực với các y, bác sĩ và nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch. Thậm chí, nhiều người phải kéo dài ca làm việc nhưng phúc lợi và lương lại giảm đi. Vấn đề lại càng trầm trọng với các bệnh viện vốn đã tồn lại những vấn đề về tài chính ngay trước cả khi dịch bùng phát. Trong tình huống xấu nhất, nếu các bệnh viện này phá sản, nguồn lực y tế để chống lại đại dịch Covid-19 của nước Mỹ sẽ bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

Nghịch lý: Nhiều bệnh viện Mỹ phải sa thải nhân viên dù đang bị quá tải - 3

Theo tính toán của các chuyên gia đến từ công ty tư vấn Advisory Board, một hệ thống bệnh viện điển hình với 1.000 giường có thể mất khoảng 140 triệu USD, tương đương một nửa doanh thu hoạt động, trong chu kỳ ba tháng, vì đại dịch Covid-19. Vấn đề càng trở nên phức tạp bởi nhu cầu phân bổ tài chính cho việc thu mua thêm trang thiết bị giúp bảo vệ nhân viên và chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, bên cạnh phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, các cơ sở y tế đã phải chi một lượng lớn tiền, để xây các phòng áp lực âm giúp cách ly hiệu quả bệnh nhân Covid-19. Nhiều bệnh viện còn thiết lập cả các trạm xét nghiệm nhanh và lều điều trị, làm cạn kiệt thêm ngân sách.

Trước thực tế này, chính phủ Mỹ, vào tháng trước, cũng đã phân bổ 100 tỷ USD tới các bệnh viện và một số nhà cung cấp dịch vụ y tế, nhằm giúp họ bù đắp thu nhập bị sụt giảm, trả chi phí xây dựng các cơ sở dã chiến và mua thêm thiết bị, vật tư. Tuy nhiên, phía các nhà điều hành bệnh viện và cả các chuyên gia đều cho rằng, khoản tài trợ này là quá ít. Theo Advisory Board, 100 tỷ USD chỉ tương đương tổng doanh thu của ngành kinh doanh dịch vụ bệnh viện mỗi tháng, trong khi đó, cuộc chiến chống dịch Covid-19 dự tính sẽ còn kéo dài.

Nghịch lý: Nhiều bệnh viện Mỹ phải sa thải nhân viên dù đang bị quá tải - 4

Lấy ví dụ của Michigan’s Beaumont, một trong những hệ thống bệnh viện có tiềm lực tài chính vững vàng của nước Mỹ, theo tìm hiểu của kênh Fox, trong điều kiện bình thường, công ty này có thể kiếm khoảng 16 triệu USD lợi nhuận ròng mỗi tháng. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 tràn vào nước Mỹ, dưới tác động của chính sách hoãn các cuộc điều trị không cần thiết, Beaumont đang lỗ 100 triệu USD mỗi tháng.

Không chỉ bệnh viện cảm nhận thấy áp lực về mặt tài chính. Các bác sĩ gia đình, bác sĩ nhi khoa, nội khoa hay những bác sĩ khác có nguồn thu nhập phụ thuộc vào hoạt động thăm khám trực tiếp đã bắt đầu nhận thấy những tác động của dịch Covid-19, khi nhiều bệnh nhân của họ lựa chọn giải pháp ở nhà để đảm bảo an toàn, thay vì đi thăm khám những bệnh lý mà họ cho là chưa quá nghiêm trọng.

Minh Nhật

Theo Fox, WP