Ngày thanh thản là không có bệnh nhân nào rơi vào tay “tử thần”

(Dân trí) - Hơn 20 năm công tác trong ngành y, đem lại hy vọng sống cho hàng trăm bệnh nhân nặng nhưng bác sĩ Mỵ Huy Hoàng vẫn còn nhiều điều trăn trở về nghề. Một ngày làm việc thanh thản của anh là không có bệnh nhân nào bị “tử thần” cướp đi sinh mạng vì trọng bệnh…

Chúng tôi gặp bác sĩ Mỵ Huy Hoàng (SN 1962) - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong những ngày cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 61 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam nhưng niềm vui dường như vẫn chưa “gõ cửa” phòng của vị bác sĩ có dáng người cao gầy, giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười đôn hậu này. Trên bàn làm việc của anh vẫn cơ man hồ sơ bệnh án, đèn pin, ống khám bệnh… và một tâm thế luôn sẵn sàng cấp cứu cho bệnh nhân.

Bác sĩ Mỵ Huy Hoàng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Thanh Hóa
Bác sĩ Mỵ Huy Hoàng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Thanh Hóa

Cơ duyên với nghề đòi hỏi "tinh thần thép"

Nói về cơ duyên đến với nghề y, bác sĩ Hoàng cho biết, tình yêu bluse trắng ấy được hun đúc từ truyền thống gia đình. Cha anh - một giảng viên, bác sĩ nổi tiếng trong ngành y tế tỉnh Thanh Hóa chính là người đã truyền cảm hứng và hướng anh theo nghiệp y để chữa bệnh cứu người.

Vì thế, từ khi sinh ra và lớn lên, hình ảnh áo bluse trắng của cha luôn ở trong trái tim anh. Và những câu chuyện chữa bệnh cứu người của người cha đã chắp cánh ước mơ để anh trở thành bác sĩ.

Bác sĩ Hoàng thăm khám bệnh cho bệnh nhân tại khoa
Bác sĩ Hoàng thăm khám bệnh cho bệnh nhân tại khoa

Nhớ về quãng thời gian đầu nhận công tác tại bệnh viện sau 1 thời gian làm giảng viên, bác sĩ Hoàng không giấu giếm niềm vui xen lẫn tự hào: “Giảng dạy cho các em sinh viên cũng là niềm vui vì được truyền nghề cho nhiều thế hệ, nhưng ước mơ của tôi vẫn là tự tay mình đem những kiến thức đã được học ra để phục vụ bệnh nhân. Vì thế tôi quyết tâm sang bệnh viện công tác.

Nhưng nhiệm vụ mới cũng nặng nề, vì thời gian đầu nhiều khó khăn vất vả, thiết bị y khoa chưa đồng bộ và tiên tiến như bây giờ. Cả khoa Hồi sức tích cực khi tôi mới về làm chỉ mới được trang bị mỗi máy thở, còn các thiết bị như moniter, hệ thống ôxy khí nén trung tâm, máy xốc điện mãi sau này mới có… Tôi cùng các y bác sĩ đã cùng nhau “đồng cam cộng khổ”, đặt tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân lên hàng đầu, nỗ lực hết mình để cứu chữa, đem niềm vui đến cho mọi người”.

Với đặc thù là nơi tập trung những bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong cao như: đột quỵ não, sốc - nhiễm trùng, ngộc độc… nên áp lực của các bác sĩ tại Khoa Hồi sức Cấp cứu cao gấp hơn nhiều lần. Họ không chỉ vững chuyên môn mà còn phải có một cái tâm đủ lớn, và một tinh thần “thép”.


Anh luôn hỗ trợ đồng nghiệp về chuyên môn

Anh luôn hỗ trợ đồng nghiệp về chuyên môn

Cứu sống bệnh nhân là niềm hạnh phúc lớn nhất

Hơn 20 năm cống hiến cho ngành y, kỷ niệm về những lần cứu người của bác sĩ Hoàng thì nhiều vô kể, nhưng niềm vui cứu sống bệnh nhân đầu tiên trong nghề có lẽ là hình ảnh ăn sâu vào tâm trí anh nhất. Đó là năm 2006, Khoa Tim - Thận khớp của bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam, tuổi đã cao, bị nhồi máu cơ tim.

Khi bệnh nhân tim ngừng đập, tình trạng rất nguy kịch, bác sĩ Hoàng đã tức tốc xuống tận nơi kiểm tra, thăm khám và tiến hành cho xốc điện, ép tim cho bệnh nhân ngay khi nhận được tin báo. Ít phút sau tín hiệu nhịp tim trên màn hình báo hoạt động trở lại, hàng chục người nhà ôm lấy bác sĩ khóc. Bệnh nhân này sau đó sức khỏe dần ổn định, được chuyển ra Hà Nội tiếp tục điều trị, lòng các y bác sĩ mới thấy nhẹ nhàng, lâng lâng một niềm vui khó tả.

Một trường hợp khác thì mới chỉ cách đây hai năm. Khi đó, khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận một bệnh nhân nữ ở xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, khoảng 40 tuổi. Bệnh nhân uống nhiều thuốc trừ sâu nên nhiễm độc khá nặng. Điều trị được 5 ngày thì người nhà bệnh nhân nằng nặc xin về. Xét thấy việc xin xuất viện của bệnh nhân là nguy hiểm đến tính mạng nên các y bác sĩ kiên quyết không cho. Khi hỏi rõ sự tình đầu đuôi câu chuyện mới biết rằng, gia đình bệnh nhân phải ra viện vì hoàn cảnh quá nghèo, không thể đủ tiền chạy chữa cho người thân nên xin về để…chết.

Bằng tình thương yêu và với cương vị là người đứng đầu khoa, BS Hoàng đã đề xuất xin ý kiến của Ban giám đốc bệnh viện. Được sự đồng ý về việc bảo trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Hoàng cùng đồng nghiệp đã nỗ lực hết mình cứu chữa và chỉ sau một thời gian ngắn, bệnh nhân đã khỏe mạnh trở lại. Cả gia đình, người bệnh cùng các bác sĩ vỡ òa trong niềm vui sướng.

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế dành cho bác sĩ Hoàng
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế dành cho bác sĩ Hoàng

Kể đến đây, bác sĩ Hoàng lại tất bật với công việc thăm khám bệnh nhân. Nhìn anh trong guồng quay của công việc, chúng tôi chỉ mong anh có được sức khỏe tốt để cứu chữa thêm nhiều bệnh nhân.

Phương Sơn - Duy Tuyên