Nếu khống chế tốt Covid-19, dịch sốt xuất huyết sẽ không đáng ngại

(Dân trí) - Sốt xuất huyết vào mùa trong bối cảnh dịch Covid-19 ở Việt Nam vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn, khiến nhiều người lo sợ về nguy cơ “dịch chồng dịch” sẽ khiến ngành y tế bị quá tải.

Nếu khống chế tốt Covid-19, dịch sốt xuất huyết sẽ không đáng ngại!

Nếu khống chế tốt Covid-19, dịch sốt xuất huyết sẽ không đáng ngại!

“Nếu tiếp tục khống chế tốt Covid-19 thì dịch sốt xuất huyết sẽ không đáng ngại”, đó là khẳng định của TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Trên thực tế, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành năm tại Việt Nam, bởi kiểu khí hậu nóng ẩm đặc trưng của nước ta rất phù hợp cho sự sinh sôi và phát triển của muỗi vằn, vốn là vector truyền bệnh sốt xuất huyết cho con người.

Nếu khống chế tốt Covid-19, dịch sốt xuất huyết sẽ không đáng ngại - 1

TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Việc thường xuyên phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết đã giúp ngành y tế đúc rút nhiều kinh nghiệm để phòng, chống dịch một cách hiệu quả. “Là Bệnh viện chuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết, chúng tôi luôn có sự chuẩn bị để đối phó với dịch, đặc biệt là ở thời điểm dịch đang vào mùa như hiện nay, điển hình như việc các bệnh nhân nếu có biểu hiện nguy cơ sẽ đều được chủ động khám sàng lọc sốt xuất huyết” – TS.BS Kim Thư chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, dịch sốt xuất huyết có quy luật cứ 2 hoặc 4 năm lại có 1 đợt dịch bùng phát mạnh. Ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, vào năm 2017 và 2019 đều đã ghi nhận số lượng lớn các ca bệnh. Tính theo chu kì này, 2020 sẽ không phải là năm đột biến, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh.

Tuy nhiên TS.BS Kim Thư cũng lưu ý rằng, cách tính trên chỉ mang tính chất tương đối: “Dịch sốt xuất huyết phụ thuộc vào muỗi vằn, mà muỗi lại phụ thuộc vào thời tiết. Trong khi đó, những năm trở lại đây có thể nhận thấy khí hậu ở nước ta trở nên nóng, ẩm hơn nhiều, tạo điều kiện cho muỗi phát triển tốt”.

Nếu khống chế tốt Covid-19, dịch sốt xuất huyết sẽ không đáng ngại - 2

Về ca nhiễm Zika đầu tiên của Việt Nam trong năm 2020 vừa được ghi nhận tại Đà Nẵng, đang dành được sự quan tâm của nhiều người dân, bởi đây là căn bệnh có thể gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, khi người mẹ mắc phải trong quá trình mang thai, TS.BS Nguyễn Kim Thư phân tích: “Cũng giống như sốt xuất huyết, Zika lây truyền qua đường muỗi đốt. Phụ nữ mang thai đặc biệt là ở 3 tháng đầu nếu bị nhiễm virus Zika có thể gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, với các phụ nữ đang mang thai có biểu hiện sốt virus thì ngoài sàng lọc sốt xuất huyết, chúng tôi cũng khuyến cáo nên xét nghiệm thêm Zika”.

Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận các ca nhiễm virus Zika từ năm 2016. Tuy nhiên, số lượng ca bệnh tính đến nay vẫn rất ít (265 ca). Thêm vào đó, nếu bệnh xảy ra ở người bình thường thì diễn biến đều khá lành tính.

Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết và Zika một cách hiệu quả

TS.BS Nguyễn Kim Thư  khuyến cáo, người dân không nên quá hoang mang về dịch sốt xuất huyết và Zika, nhưng cần phải có những biện pháp chủ động để phòng ngừa, nhất là khi nước ta đang dần bước vào mùa dịch và cả 2 bệnh đều chưa có vắc xin.

Nếu khống chế tốt Covid-19, dịch sốt xuất huyết sẽ không đáng ngại - 3

Vì sốt xuất huyết và Zika đều có vector truyền bệnh là muỗi, nên các biện pháp giảm số lượng muỗi (giữ vệ sinh môi trường sống, sử dụng các biện pháp diệt muỗi) sẽ giúp phòng bệnh một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, sốt xuất huyết có triệu chứng trong giai đoạn đầu giống sốt virus thông thường. Tuy nhiên, bệnh lại tiến triển nhanh và có thể dẫn đến tử vong chỉ trong thời gian ngắn. Vì vậy, TS.BS Kim Thư khuyến cáo, khi có triệu chứng sốt, mệt mỏi, người dân không nên tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà, mà cần phải đến khám sàng lọc tại các cơ sở y tế, đặc biệt là nhóm đối tượng có rủi ro cao như: trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi.

Minh Nhật