TPHCM:

Nắng nóng kéo dài, trẻ ùn ùn nhập viện

(Dân trí) - Nhiệt độ cao điểm duy trì ở mức 35 đến 37 độ C nhiều ngày qua đã khiến các loại bệnh “cơ hội” như hô hấp, tiêu chảy ở trẻ tăng mạnh. Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng đã vào mùa với diễn tiến nguy hiểm.

Quá tải tại các bệnh viện Nhi trên địa bàn thành phố ngày càng trầm trong hơn bởi sự tác động của thời tiết. Theo thống kê của bệnh viện Nhi Đồng 1, cao điểm của những tuần trước, bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng hơn 4.000 trường hợp đến khám chữa mỗi ngày nhưng sang đầu tháng 4, lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tăng đột biến, hiện mỗi ngày bệnh viện đang phải tiếp nhận khám chữa cho hơn 6.000 lượt bệnh nhân. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại bệnh viện Nhi Đồng 2 với khoảng 5.000 lượt bệnh nhân đến khám chữa mỗi ngày.

Trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2
Trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2

Bệnh hô hấp dù chưa có biểu hiện bất thường nhưng luôn ở mức cao hơn so với các loại bệnh khác.
 
Cầm chiếc quạt phe phẩy làm mát cho đứa con trai tại khoa Hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 2, chị Lê Thị Tuyết Lan (ngụ tại quận Thủ Đức) cho biết: “Vợ chồng tôi đi làm nên thuê người giúp việc từ quê vào để chăm sóc cho cu Tý (3 tuổi). Thấy thằng bé mồ hôi luôn nhễ nhại nên chị giúp việc thường xuyên mang đi tắm, cho uống nước đá và mở quạt liên tục để làm mát thằng bé. Cách đây 2 ngày thấy con có biểu hiện ho, sốt, tôi đã mang đi bác sĩ tư nhưng không đỡ nên phải vào Nhi Đồng 2. Bác sĩ cho biết con tôi bị viêm phế quản phải nằm viện điều trị”.

Theo nhận định của các bác sĩ, hành động thương trẻ bằng cách để quạt máy, máy lạnh thổi thẳng luồng gió vào cơ thể các bé của những người thiếu hiểu biết dễ khiến trẻ bị khô, tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm hô hấp trên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ nhanh chóng diễn tiến nặng thêm dẫn tới viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi. Với những trẻ nằm nhiều trong phòng máy lạnh khi sự cách biệt nhiệt độ với môi trường bên ngoài quá cao, trẻ từ phòng lạnh bước ra gặp sự thay đội đột ngột cũng rất dễ bị đổ bệnh.

Những ngày qua, bệnh tiêu hóa đang trở thành điểm nóng đáng lo ngại trong thời tiết nắng nóng. Chỉ tính riêng tại bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi ngày có tới gần 400 trẻ đến khám tiêu hóa trong đó có hàng chục trẻ phải nhập viện. Phải nghỉ việc để vào viện chăm con, nhưng chị Nguyễn Lê Ánh Tuyết (ngụ tại quận 5) còn day dứt hơn vì đã cho đứa con gái 4 tuổi uống nước ở vỉa hè.

Mỗi ngày có hơn 6.000 lượt bệnh nhi đến khám và điều trị tại Nhi Đồng 1
Mỗi ngày có hơn 6.000 lượt bệnh nhi đến khám và điều trị tại Nhi Đồng 1

“Chiều hôm đó, trên đường đón con từ lớp học về, mẹ con tôi ghé vào quán nước sâm trên vỉa hè để giải khát. Tôi đến, con bé than đau bụng và đi ngoài 2 lần, sáng ra thấy bé ổn nên tôi vẫn cho con đi học, ai ngờ đến 3 giờ chiều ngày 1/4 cô giáo gọi điện báo bé có biểu hiện mệt, đi cầu liên tục. Khi đến bệnh viện thì con bé đã lả đi vì mất nước”, người mẹ trẻ tâm sự.

Theo BS Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa bệnh viện Nhi Đồng 1 thì: Uống nước không đảm bảo vệ sinh, sử dụng phải thức ăn để lâu đã ôi thiu hoặc hâm đi, nấu lại nhiều lần… là những nguyên nhân khiến đường tiêu hóa của trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đẫn tới tiêu chảy. Vì thế các bậc phụ huynh cần đảm bảo vệ sinh ăn uống cho trẻ.

Thời tiết nắng nóng cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại siêu vi gây bệnh phát triển, trong đó đang lưu ý là bệnh tay chân miệng đã bắt đầu chu kỳ bùng phát theo mùa trong năm. Ghi nhân tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và hai bệnh viện Nhi cho thấy, số trẻ mắc TCM đã bắt đầu tăng nhanh từ cuối tháng 3 với nhiều ca bệnh nặng. Trên địa bàn thành phố đã xuất hiện một ổ bệnh TCM tại trường mầm non đống trên địa bàn huyện Hóc Môn.

Tình trạng quá tải khiến nhiều bệnh nhi ra nằm ngoài khuôn viên bệnh viện
Tình trạng quá tải khiến nhiều bệnh nhi ra nằm ngoài khuôn viên bệnh viện

Riêng tại bệnh viện Nhi Đồng 1, có gần 200 trẻ mắc TCM đến khám mỗi ngày, tại khoa nhiễm ngày 3/4 đang điều trị cho 70 bệnh nhi. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh khuyến cáo: “Phụ huynh, người giữ trẻ phải rửa tay sạch sẽ cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch; không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng; cho trẻ ăn chín, uống chín; không ăn chung muỗng chén; nấu sôi hoặc ngâm dung dịch Chloramin B 2% quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt sạch; thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, dung dịch Chloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường.

Người chăm trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ; Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng hoặc mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc vết loét ở niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác ít nhất 7 ngày. Thu gom xử lý phân của trẻ bằng Chloramin B, vôi bột hoặc tro bếp… tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ.
 

 

Bác sỹ đang thăm khám cho bệnh nhi.
Bác sỹ đang thăm khám cho bệnh nhi.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước, theo thống kê, số lượng trẻ dưới 5 tuổi nhập viện điều trị từ đầu năm tới nay là 1.383 bệnh nhi (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2012).

Theo các bác sỹ tại bệnh viện, do sự thay đổi thời tiết nên trung bình, mỗi ngày bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước tiếp nhận và điều trị trên 30 bệnh nhi cho các bệnh viêm phổi, tiêu chảy,viêm da dị ứng, viêm da tụ cầu… Có những trường hợp đưa đến bệnh viện trong tình trạng bệnh đã nặng. 

Đã có trường hợp bệnh nhi tử vong do gia đình đưa đến bệnh viện khi bệnh đã quá nặng. Cụ thể như trường hợp bệnh nhi Bùi Thị Mai Lan (3 tháng tuổi, ở xã Điền Thượng) được gia đình đưa đến điều trị tại bệnh viện nhưng do bị suy hô hấp quá nặng nên đã tử vong sau đó.

Nguyên nhân là do nhiều bậc phụ huynh do tâm lý chủ quan khi thấy con trẻ chỉ bị sốt nhẹ nên cho uống thuốc ở nhà chứ không đưa đến các cơ sở y tế để khám và có hưỡng điều trị thích hợp.

 
Vân Sơn - Duy Tuyên