Nam sinh ho ra máu, phát hiện khối u khổng lồ chèn giữa lồng ngực

(Dân trí) - Với biểu hiện ho ra máu, bệnh nhân 23 tuổi đến viện khám và được phát hiện khối u tế bào mầm khổng lồ trong lồng ngực, ngay vị trí trung thất trước. Khối u được lấy ra ngày 18/2 nặng đến 700gram.

Nam sinh ho ra máu, phát hiện khối u khổng lồ chèn giữa lồng ngực - 1

Trước đó, nam sinh viên này đến viện khám vì ho ra máu, khó thở và đã được phát hiện khối u tế bào mầm rất lớn trong lồng ngực, vị trí trung thất trước.

GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Giám đốc BV E cho biết, để tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân đã được hóa trị trước để thu nhỏ một phần thể tích khối u nhưng khi cưa mở toàn bộ xương ức, mở rộng lồng ngực, các bác sĩ cũng bất ngờ bởi kích thước của khối u này. Không những thế khối u có mật độ chắc, phát triển lan tỏa ra xung quanh vào khoang màng phổi 2 bên, chèn ép đẩy lệch khí quản, tim, phổi và mạch máu, u bọc quanh các dây thần kinh.

“Bởi đây là vị trí cửa ngõ sống còn của cơ thể như đường thở, đường ăn, mạch máu chính, tim phổi, dây thần kinh. Khối u bọc quanh các thành phần này. Phẫu thuật viên phải tỉ mẩn, kiên trì và khéo léo bóc tách u vì chỉ cần sơ sẩy một chút có thể gây nguy cho tính mạng người bệnh”, GS Thành lý giải.

Sau nhiều giờ nỗ lực các bác sĩ đã bóc tách được toàn bộ khối u nặng khoảng 700gr và các tổ chức thâm nhiễm xung quanh mà vẫn bảo tồn được nguyên vẹn các cấu trúc thần kinh mạch máu.

GS Thành cho biết thêm, các khối u trung thất không phải hiếm gặp nhưng phát triển to như bệnh nhân này là rất hy hữu. GS Thành cũng khuyến cáo người dân cần có ý thức đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm khám một lần để phát hiện các nguy cơ cho sức khỏe và được can thiệp. Như trong trường hợp bệnh nhân này, nếu khối u nhỏ can thiệp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Đặc biệt không phải ai cũng may mắn như bệnh nhân này, khối u phát triển với kích thước khổng lồ mà lại không bị xâm lấn, phá hủy các cấu trúc xung quanh. Nếu tình huống đó xảy ra việc phẫu thuật càng khó khăn hơn và kết quả thường không được như mong đợi bởi trong nhiều trường hợp chỉ lấy được một phần u để giải phóng chèn ép. Những trường hợp u xâm lấn vào mạch máu có thể phải cắt nối bằng mạch nhân tạo thay thế....

Hồng Hải