Mỹ: Những “lỗ hổng” chết người ở bệnh viện “lây” Ebola

(Dân trí) - Một số y tá đã mặc nhiều lớp quần áo bảo vệ nhưng lại vô tình làm tăng nguy cơ phơi nhiễm khi cởi áo. Một số khác lại mặc áo để hở cổ và tùy tiện dán băng dính lên những chỗ hở…. là những gì đã từng diễn ra ở bệnh viện Texas Health Presbyterian.

Đối với bệnh viện Texas Health Presbyterian, ba tuần qua là một cơn ác mộng chưa có hồi kết. Và cùng với thông báo hôm thứ Tư tuần trước rằng nữ y tá thứ hai chăm sóc cho nạn nhân Ebola đầu tiên của nước này bị lây nhiễm, thì bệnh viện càng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi những người có trách nhiệm đang cố trấn an cả nhân viên và bệnh nhân ở đây.

Từ lâu đã được xem là một trong những bệnh viện “tinh hoa” ở Texas, Presbyterian tiếp tục đối mặt với những chỉ trích – đầu tiên là vì đã chẩn đoán sai từ đầu cho bệnh nhân Duncan, khiến ông này bị điều trị chậm trễ và khiến nhiều người gặp nguy cơ; tiếp theo là vì đã đưa ra những thông báo trái ngược nhau về lý do tại sao các bác sĩ không nghĩ đến Ebola ở bệnh nhân này; và giờ đây bệnh viện tiếp tục bị chỉ trích vì những lỗ hổng trong qui trình an toàn khiến cho hai nhân viên của chính bệnh viện bị nhiễm bệnh.

Cách đây 3 tuần, có rất ít người đặt nghi ngờ về tình trạng của bệnh viện này. Với gần 900 giường và 1.000 bác sĩ, đây là bệnh viện lớn thứ 8 ở Texas và rất xuất sắc trong việc chăm sóc tim mạch và nhi khoa: hơn 5.000 ca sinh mỗi năm.

Mỹ: Những “lỗ hổng” chết người ở bệnh viện “lây” Ebola

Được người dân gọi là bệnh viện Presby, đây là điểm lựa chọn của những người giàu có và nổi tiếng nhất của thành phố. Tuy nhiên, gần đây đã bắt đầu có những lời phàn nàn về bệnh viện này, ví dụ như việc nhiều y tá bỏ việc, và bệnh viện đã phải tuyển dụng y tá và nhân viên tình nguyện từ những bệnh viện khác để đáp ứng nhu cầu nhân sự.

Cho đến náy chưa có cuộc điều tra toàn diện nào về những sai sót của bệnh viện, và các cơ quan chức năng vẫn chưa biết chính xác thì hai nữ y tá trẻ, Nina Pham, 26 tuổi và Amber Joy Vinson, 29 tuổi, đã bị phơi nhiễm như thế nào.

Các nhân viên bệnh viện đã tuân thủ quy trình bảo vệ cá nhân trong những ngày đầu tiên sau khi bệnh nhân Duncan nhập viện. Một số đã mặc 3 hoặc 4 lớp trang bị bảo vệ và dán những chỗ hở bằng băng dính với quan niệm là nó sẽ giúp tăng độ an toàn. Tuy nhiên trên thực tế, khi mangg nhiều lớp găng hoặc quần áo, thì việc mặc vào và cởi ra sẽ khó hơn và nguy cơ phơi nhiễm trong quá trình tháo găng sẽ cao hơn nhiều.

BS. Daniel Varga, thuộc tổ chức Texas Health Resources, cho biết mãi hai ngày sau khi Duncan nhập viện thì các nhân viên ở đây mới mặc những bộ đồ bảo hộ sinh học đầy đủtheo quy định của C.D.C, bao gồm mặt nạ, găng, kính và tấm che.

Bệnh viện cũng chỉ đưa ra những thông báo rất vắn tắt trong một vài cuộc họp báo hằng ngày, một số trong đó nêu sai ngày mà bệnh nhân Duncan được điều trị.

Thông báo đầu tiên nói rằng bệnh viện không chẩn đoán được bệnh nhiễm nhiễm Ebola ngày 25/9 vì một bác sĩ đã không xem bệnh án điện tử do y tá lập, nhưng sau đó các quan chức bệnh viện đã đính chính và nói rằng không phải như vậy.

Bệnh viện tin rằng Duncan đã bị chẩn đoán nhầm. Mãi 2 giờ sau khi được đưa tới khoa cấp cứu một y tá mới hỏi bệnh nhân về tiền sử đi lại, một yếu tố quyết định để sàng lọc Ebola. Người y tá này đã ghi chú rằng bệnh nhân mới từ tây Phi về, nhưng lại không báo cáo điều này cho bác sĩ khám lại cho Duncan 10 phút sau đó. Không biết vì sao viên bác sĩ này lại ghi nhận được thông tin khác, rằng Duncan là cư dân địa phương. Các quan chức của bệnh viên không rõ điều này đã diễn ra như thế nào.

Cẩm Tú

Theo New York Times