Cúm gia cầm tái bùng phát và lan rộng:

Một bài học đắt giá

(Dân trí) - Dịch cúm gia cầm tái phát tại một số tỉnh của ĐBSCL đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tồn tại và lây lan của virut cúm gia cầm ở Việt Nam. Tại sao dịch vẫn lan rộng sau khi chúng ta đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt và bất chấp những kinh nghiệm phòng chống dịch trong suốt 3 năm qua?

Câu trả lời là chính sự thiếu nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc báo với chính quyền địa phương về các trường hợp gia cầm ốm, chết và việc nuôi vịt bất hợp pháp là một trong những nguyên nhân làm dịch lan rộng.

 

Cho đến ngày 3/1/2007 đã có 27 xã ở 14 huyện của tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Hậu Giang được thông báo là có dịch. Một điều đáng tiếc là một tuần sau khi có dịch cơ quan chức năng địa phương mới biết. Chính việc thông báo cho chính quyền chậm chễ như vậy cũng tạo điều kiện cho dịch lan rộng hơn.

 

Trong cuộc họp bàn về giải pháp chống dịch lan rộng của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống cúm gia cầm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Trưởng Ban Chỉ Đạo, Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Nếu việc xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để thì sẽ hạn chế rất nhiều khả năng dịch lây lan trên diện rộng”.

 

Việc bùng phát những ổ dịch mới cho thấy rằng lệnh cấm nuôi thủy cầm đã không được người dân thực hiện nghiêm túc. Ông Nguyễn Trung Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang thừa nhận: “Việc cấm chăn nuôi thủy cầm là rất khó. Có nông dân nói, nuôi 100-200 con vịt cho vào ruộng ăn ốc bươu vàng, ăn sâu rầy, vừa có thêm thu nhập lại không phải mua thức ăn cho vịt”. Chính vì vậy mà nhiều người cho rằng nuôi vịt rất có lời và họ lén nuôi, không đem vịt đi tiêm vac-xin và dĩ nhiên khi vịt ốm hoặc chết thì họ cũng sẽ không báo với chính quyền.

 

Điều quan trong nhất hiện nay là người dân phải nhận thức đúng và thực hiện đúng các chỉ dẫn của chính quyền. Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú Y, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Ý thức của người dân là rất quan trọng. Nếu họ hiểu được tầm quan trọng của sự nguy hiểm của dịch bệnh và báo cho chính quyền địa phương kịp thời thì chúng ta vẫn có thể kiểm soát không để dịch lây lan trên diện rộng”.

 

Theo các báo cáo giám sát sau tiêm phòng được thực hiện ở một số gia cầm ở miền Trung và các tỉnh phía bắc như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Giang, Hải Phòng và Thái Bình, vi rút Cúm Gia Cầm vẫn tồn tại ở một số gia cầm ở mức độ thấp. Những báo cáo này chỉ ra rằng vi rút cúm gia cầm vẫn còn xuất hiện ở những địa phương trên nhưng chỉ ở mức độ hạn chế, do vậy chưa gây ra thêm một đợt dịch nào mới.

 

Nhận thức được diễn biến của dịch là rất quan trọng để còn có các biện pháp phòng ngừa kịp thời và nhanh chóng nhằm khống chế, không để dịch lây lan và bùng phát trên dịên rộng. Việc ngăn ngừa dịch cúm gia cầm chỉ có thể thành công khi người dân thực sự có tinh thần hợp tác và cầu thị.

 

Thông tin cơ bản về cúm gia cầm

 

1. Trường hợp gia cầm ốm bất thường hoặc chết (tại nơi nuôi hoặc xa nơi nuôi) mà số lượng không nhiều thì có nên báo cho chính quyền địa phương không?

 

Chúng ta phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương trường hợp gia cầm bị chết. Chính quyền địa phương sẽ quyết định họ sẽ xử lý các trường hợp gia cầm chết như thế nào.

 

2. Chúng ta nên làm gì khi dịch cúm bùng phát?

 

Mỗi tình huống đều có cách xử lý khác nhau. Tuy nhiên trong mọi trường hợp chúng ta phải có cách kiểm soát dịch một cách hiệu qủa, hợp lý và có cân nhắc đến yếu tố xã hội và phải bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của người dân. Những việc cần làm ngay nữa là tiêu hủy, tiêm vắc xin, kiểm dịch, và kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm.

Một bài học đắt giá - 1

Một bài học đắt giá - 2

  “Chung sức vì một Việt Nam không cúm gia cầm”.

 

P.V