Mới chỉ đáp ứng hơn 50% nhu cầu máu!

(Dân trí) - TS.Võ Đình Vinh- Chánh Văn phòng BCĐ Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện (HMTN), cho biết, nước ta cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu/năm, tức khoảng 4.500 đơn vị máu/ngày. Năm 2014, toàn quốc thu được trên 1,054 triệu đơn vị máu, đáp ứng được 58% nhu cầu.

Theo TS.Vinh, từ năm 2000, công tác HMTN đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm với việc đã ban hành nhiều Quyết định, Thông tư,…có liên quan đến công tác này. Bên cạnh đó, cũng đã có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa ngành y tế trong việc tiếp nhận, sàng lọc, sản xuất, bảo quản, sử dụng máu và các chế phẩm máu; trong khi đó các Ban ngành khác thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia HMTN.

Qua thống kê của BCĐ Quốc gia vận động HMTN cho thấy, giai đoạn từ năm 2000 đến 2014, số đơn vị máu tiếp nhận hàng năm tăng nhanh từ 236.740 đơn vị lên trên 1,054 triệu đơn vị; trong đó, HMTN chiếm ưu thế từ 31% lên trên 96% và dân số hiến máu từ 0,3% lên 1,17%.

TS. Võ Đình Vinh cho biết, có được những con số khả quan trên có đóng góp rất lớn của Hội Chữ Thập đỏ các cấp, Ban vận động HMTN các cấp trong việc xây dựng kế hoạch, các chính sách và tuyên truyền vận động người dân tham gia cũng như lợi ích của việc HMTN nhằm đảm bảo đủ máu cho nhu cầu điều trị tại địa phương.

8-1442983411660

Lực lượng tình nguyện viên đóng vai trò quan trọng trong công tác vận động người dân tham gia hiến máu cứu người.

Còn theo bà Lê Thanh Nam (Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương) thì vai trò của lực lượng tình nguyện viên trong vận động HMTN là rất quan trọng.

Hiện nay toàn quốc có 2.707 câu lạc bộ (CLB) HMTN với 113.241 thành viên; trong đó có 1.921 CLB hiến máu dự bị, 41 CLB 25, 21 CLB nhóm máu hiếm, 101 CLB gia đình hiến máu và 623 CLB vận động HMTN. Các lực lượng này đóng vai trò trong việc tuyên truyền giáo dục về HMTN, tuyển chọn người hiến máu và tổ chức hiến máu, duy trì nguồn người hiến máu bền vững, sáng tạo phát triển phong trào hiến máu…

“Lực lượng tình nguyện viên không chỉ là những người trực tiếp hiến máu mà còn vận động người tham gia hiến máu qua nhiều hình thức, giữ vai trò kết nối người bệnh với cộng đồng cũng như tiết kiệm nguồn ngân sách đầu tư vào nhân công. Vì thế, việc duy trì và phát triển lực lượng tình nguyện viên sẽ thúc đẩy việc duy trì nguồn người hiến máu bền vững, thường xuyên tại cơ sở truyền máu”, bà Nam nhấn mạnh.

Cũng theo bà Lê Thanh Nam, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay trong công tác HMTN là xây dựng lực lượng hiến máu dự bị với phương châm “thực chất, hiệu quả và bền vững”.

Bà Nam dẫn chứng, tháng 4/2012, đảo Song Tử Tây huy động 2 chiến sĩ hiến máu khẩn cấp để cứu ngư dân bị đa chấn thương trước khi chuyển về đất liền để được điều trị tiếp. Tháng 11/2013, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) đã truyền 2 đơn vị máu cấp cứu sản phụ bị băng huyết sau sảy thai từ 2 người hiến máu dự bị.

Tháng 8/2015, ngư dân Phạm Văn Thiết (quê Thanh Hóa) bị tai nạn do máy tời cuốn đứt rời 3/4 cánh tay trái khi đang tham gia đánh cá là trường hợp bệnh nhân đầu tiên được truyền máu thành công tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng...Những trường hợp này thì nhu cầu được truyền máu là quá rõ ràng.

Theo bà Nam, những nơi cần nguồn hiến máu dự bị là ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, địa phương có các tuyến giao thông phức tạp và thậm chí ngay tại các thành phố…Trong đó, cần thành lập một “ngân hàng máu sống” để khi cần máu, “ngân hàng máu sống” này sẽ được khởi động với việc gọi người hiến máu theo nhu cầu với phương châm “khi mời là họ đến, đến là hiến máu được và máu có thể sử dụng an toàn”.

“Việc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị an toàn và bền vững là hết sức cấp thiết, đảm bảo cung cấp được những đơn vị máu an toàn, chất lượng nhanh nhất đến người bệnh. Do đó, các địa phương cần nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết và vai trò của hiến máu dự bị để họ tham gia nhằm xây dựng được lực lượng người luôn sẵn sàng hiến máu dựa trên cơ sở hiểu biết và trách nhệm với cộng đồng”, bà Nam nhấn mạnh.

Huỳnh Hải