Miếng dán sửa chữa tổn thương do cơn đau tim

(Dân trí) - Các kỹ sư y sinh học tại Đại học Duke đã phát triển một loại "miếng dán tim" để che phủ và sửa chữa mô tim bị tổn thương do đau tim.

Sau cơn đau tim, những phần mô tim bị ảnh hưởng sẽ chết và không tái sinh. Thay vào đó, tim phát triển mô sẹo không thể truyền tín hiệu điện.
Sau cơn đau tim, những phần mô tim bị ảnh hưởng sẽ chết và không tái sinh. Thay vào đó, tim phát triển mô sẹo không thể truyền tín hiệu điện.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, đã mô tả chi tiết cách mà miếng dán mới này sửa chữa cơ tim chết.

"Hiện nay, hầu như tất cả các phương pháp điều trị đều nhằm vào việc giảm các triệu chứng do tổn thương đã xảy ra ở tim, nhưng chưa có cách nào có thể thay thế được cơ tim đã bị mất, bởi vì cơ tim khi đã chết sẽ không thể tự tái tạo lại được", Ilya Shadrin, khoa Công nghệ Pratt, Đại học Duke, nói. "Đây là một cách để chúng ta có thể thay thế cơ tim đã mất bằng mô chế tạo ngoài cơ thể."

Sau khi bị đau tim, những phần bị tổn thương của mô tim chết và không tái tạo. Thay vào đó, tim phát triển mô sẹo không thể truyền tín hiệu điện cần thiết để tim đập bình thường như tim khỏe mạnh. Khi có mô sẹo ở tim, bệnh nhân thường bị suy tim và các biến chứng chết người khác. Hơn 12 triệu người trên thế giới gặp phải những tác dụng phụ này.

Theo lý thuyết, miếng dán sẽ che phủ cơ bị chết và tạo thành cầu nối để tín hiệu điện truyền qua trong một khoảng thời gian dài. Nó cũng giải phóng ra các enzym giúp thúc đẩy quá trình phục hồi của những vùng tim bị tổn thương nhưng không bị chết sau cơn đau tim.

Miếng dán có cấu tạo từ các tế bào gốc người lấy từ phôi và những tế bào khác đã được chuyển thành tế bào gốc đa năng - có thể trở thành bất kỳ tế bào nào từ bất kỳ phần nào của cơ thể. Những tế bào gốc này sẽ phát triển thành các tế bào cơ tim, chịu trách nhiệm cho sự co cơ khiến tim đập; nguyên bào sợi, bộ khung của mô tim; tế bào nội mô và tế bào cơ trơn, những tế bào tạo ra mạch máu. Tất cả các tế bào được đưa vào những điểm cụ thể trên chất nền giống như thạch để “mọc” thành miếng dán có chức năng.

Shadrin cho biết: "Hóa ra việc lắc và rải các mẫu để cải thiện việc cung cấp chất dinh dưỡng là rất quan trọng. Chúng tôi đạt được kết quả tốt hơn từ ba đến năm lần khi rung lắc môi trường nuôi cấy so với mẫu tĩnh ".

Các miếng dán hiện có kích thước phù hợp để thử nghiệm trên chuột, miếng dán có kích thước cho người sẽ cần một phiên bản lớn hơn, dày hơn và được tưới máu đầy đủ.

Cẩm Tú

Theo New York Daily News