Mẹo hay: Cách tính thời điểm “vàng” để đi ngủ vào mỗi tối

(Dân trí) - Việc lựa chọn thời gian đi ngủ phù hợp rất có lợi cho sức khỏe, và bạn hoàn toàn có thể tính toán được thời điểm “vàng” để lên giường, dựa vào công thức được khuyến nghị bởi chuyên gia ngay dưới đây.

Có thể bạn không để ý nhưng chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh sức khỏe, từ cân nặng, hoạt động trao đổi chất cho đến chức năng não và cảm xúc.

Đối với đa số mọi người, đặc biệt là những người đang đi học, đi làm thì thời gian thức giấc hàng sáng gần như là cố định. Tuy nhiên, thời gian đi ngủ lại thường bị biến động, phụ thuộc vào lịch trình công việc, sinh hoạt ngày hôm đấy, các hoạt động đột xuất hay đơn giản là chỉ đi ngủ khi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, thiếu tỉnh táo. Theo các nhà khoa học, việc lựa chọn thời gian đi ngủ phù hợp rất có lợi cho sức khỏe và nhịp sinh học của cơ thể.

Mẹo hay: Cách tính thời điểm “vàng” để đi ngủ vào mỗi tối - 1

Thời gian ngủ cần thiết sẽ thay đổi liên tục theo độ tuổi. Khi vừa sinh ra, chúng ta thường ngủ đến 17 tiếng mỗi ngày, trong khi đó với người trưởng thành và người già đôi khi 7 tiếng đã là đủ.

Dưới đây là cẩm nang chỉ dẫn thời lượng giấc ngủ phù hợp để đảm bảo sức khỏe, được khuyến nghị bởi Quỹ Giấc ngủ Quốc gia (Mỹ) để bạn có thể tham khảo:

Mẹo hay: Cách tính thời điểm “vàng” để đi ngủ vào mỗi tối - 2

Đương nhiên, mỗi cá nhân lại có thời lượng giấc ngủ phù hợp khác nhau, thậm chí là ở trong cùng một nhóm tuổi. Một vài người cần đến 9 tiếng ngủ mỗi đêm mới cảm thấy khỏe khoắn, trong khi một số khác lại cảm thấy giấc ngủ đêm dài 7 tiếng là đã đủ đáp ứng nhu cầu của họ.

Mẹo hay: Cách tính thời điểm “vàng” để đi ngủ vào mỗi tối - 3

Khi bạn chợp mắt, não bộ và cơ thể trải qua nhiều chu kỳ ngủ khác nhau, mỗi chu kỳ lại bao gồm 4 giai đoạn:

-Giai đoạn N1: Là giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ, lúc này bạn đang ở giữa trạng thái tỉnh và ngủ.

-Giai đoạn N2: Bạn chính thức bước vào giấc ngủ ở giai đoạn này, lúc này bạn sẽ không còn cảm nhận thấy những việc đang xảy ra xung quanh mình. Thân nhiệt cơ thể cũng có hiện tượng giảm nhẹ ở giai đoạn N2.

-Giai đoạn N3: Giai đoạn mà chúng ta ngủ sâu nhất và cũng đem lại tác dụng hồi phục, nạp năng lượng mạnh mẽ nhất. Ở giai đoạn này, nhịp thở sẽ chậm lại, huyết áp hạ xuống, các cơ được thư giãn, một số loại hormone đặc trưng cũng sẽ được tiết ra hỗ trợ cho việc dọn dẹp độc tố, hồi phục tổn thương, sức lực.

-Giấc ngủ REM: Đây là giai đoạn cuối cùng trong 1 chu kỳ ngủ. Nó thường chiếm khoảng 25% thời lượng của mỗi giấc ngủ. REM là giai đoạn não của chúng ta hoạt động mạnh mẽ nhất và những cơn mơ cũng bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn này. Cùng với đó, mắt cũng sẽ chuyển động liên tục bên dưới mi mắt. REM được coi là giai đoạn giúp tăng cường mạnh mẽ năng lực thần kinh và thể chất của bạn để sẵn sàng “nhập cuộc” khi tỉnh giấc.

Thông thường, mỗi người sẽ mất trung bình 90 phút cho mỗi chu kỳ ngủ với đầy đủ 4 giai đoạn. Do đó, nếu ngủ khoảng 7,5 tiếng mỗi đêm nghĩa là bạn hoàn thành 5 chu kỳ ngủ. Trong trường hợp giấc ngủ dài khoảng 9 tiếng sẽ tương đương với 6 chu kỳ. Theo các chuyên gia, việc để các chu kỳ ngủ diễn ra trọn vẹn và thức giấc vào cuối chu kỳ (ngay sau giai đoạn REM) sẽ là lý tưởng nhất cho sức khỏe.

Mẹo hay: Cách tính thời điểm “vàng” để đi ngủ vào mỗi tối - 4

Thời gian lên giường đi ngủ tối ưu nhất cho sức khỏe có thể tính toán được dựa vào 3 yếu tố:

-Thời gian thức giấc

-Đảm bảo hoàn thành trọn vẹn 5 hoặc 6 chu kỳ ngủ

-Cộng thêm khoảng thời gian để rơi vào giấc ngủ (khoảng 15 phút).

Dưới đây là bảng dò thời gian đi ngủ tối ưu đã được tính toán dựa trên 3 yếu tố kể trên để bạn có thể tham khảo:

Mẹo hay: Cách tính thời điểm “vàng” để đi ngủ vào mỗi tối - 5

Minh Nhật

Theo HL