Mẹ nhiễm HIV vui phát khóc vì hai con thoát “án tử”

Chồng mất vì bị AIDS, đứa con gái đầu cũng dương tính với HIV, ngay bản thân cũng là người có hơn 10 năm sống chung với “căn bệnh thế kỷ”, cuộc sống của chị Vũ Thị Thanh (xã Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) tưởng chừng như sụp đổ hoàn toàn. Thế nhưng, nhờ nỗ lực điều trị cùng tinh thần lạc quan “chiến đấu” với bệnh tật, chị vui phát khóc khi hai đứa con sau này với người chồng mới đều… âm tính với HIV.

Mẹ nhiễm HIV vui phát khóc vì hai con thoát “án tử” - 1

Cán bộ y tế hướng dẫn người bệnh HIV cách điều trị bằng thuốc ARV. Ảnh: P.V

Những tháng ngày “sống không bằng chết”

15 năm trước, khi nhắc đến xã Vũ Tây, người ta nghĩ ngay đến “điểm nóng” HIV/AIDS của khu vực phía Bắc với sự gia tăng nhanh chóng số bệnh nhân nhiễm trên địa bàn. Ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cuộc sống khó khăn, đa phần nam giới ở địa phương đều phải đi làm xa kiếm ăn. Đáng tiếc là khi trở về quê nhà, không ít người đã mang mầm bệnh trong người và vô tình lây sang vợ con.

Là “người trong cuộc”, đang sống chung với HIV 11 năm nay, chị Vũ Thị Thanh xúc động khi nhớ lại quãng thời gian đầy nước mắt trong quá khứ. Chị cho hay, vợ chồng chị kết hôn với nhau 15 năm trước. Hai năm sau, cô con gái đầu lòng chào đời trong niềm vui sướng của hai bên gia đình. Tuy nhiên, vì cuộc sống khó khăn, chồng chị quyết định đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống.

Tuy nhiên, khi chồng đi xa, cũng là lúc chị Thanh thấy sức khỏe của mình có những dấu hiệu lạ như hay sốt, cảm cúm, ốm đau liên miên, người nổi nhiều nốt lạ. Nghĩ triệu chứng đơn giản nên chị không đi khám. Lúc này, ở làng cũng có vài người nói vào nói ra rằng chị bị “bệnh thế kỷ”. Dù sức khỏe ngày một yếu nhưng chị Thanh cũng không bao giờ tin mình bị bệnh. Chỉ đến khi chồng chị bị doanh nghiệp bên nước ngoài trả về vì nhiễm HIV, lúc ấy chị mới vội vàng đi xét nghiệm và chết đứng khi nhận kết quả tương tự như người chồng.

Số phận trớ trêu, cô con gái của vợ chồng anh chị cũng không “thoát” khỏi căn bệnh quái ác, khi ấy, cháu chỉ mới hơn 2 tuổi. Nhớ lại thời điểm phát hiện mình bị nhiễm HIV, chị Thanh tâm sự: “Đó là khoảng thời gian tối tăm nhất trong cuộc đời tôi. Ra đường, tôi phải đối diện ánh mắt dò xét, dè bỉu của mọi người. Về nhà, tôi phải sống trong sự ghẻ lạnh của anh em họ hàng khi họ cho rằng, tôi là kẻ “tội đồ” gây bệnh cho chồng, cho con. Lúc ấy, tôi chỉ muốn nhanh chóng kết thúc cuộc đời để được giải thoát”.

Cuộc sống bế tắc, nhiều lần, chị đã tìm ra cây cầu gần nhà để định tự kết liễu đời mình. Thế nhưng, khi chuẩn bị nhảy xuống, hình ảnh cô con gái nhỏ bé, tội nghiệp lại kéo chị lại. Vì thương con, chị gạt nước mắt tiếp tục cuộc sống. Được các cán bộ y tế của xã tuyên truyền, vận động, chị Thanh đã quyết định điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và thấy sức khỏe có nhiều chuyển biến tích cực.

Điều kỳ diệu từ nỗ lực điều trị

Sau một thời gian dài đắm chìm trong đau khổ, nước mắt, chị Thanh quyết định gạt bỏ ý nghĩ dại dột và suy nghĩ theo hướng tích cực hơn là phải tiếp tục sống, hơn nữa, phải sống có ý nghĩa. Từ đó, chị tìm những người đồng cảnh ngộ lập nên Câu lạc bộ "Nhóm sống tích cực” với mục đích chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, đồng thời đi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ban đầu, nhóm hoạt động đơn giản là trao đổi, chia sẻ, sau đó, các hoạt động tuyên truyền dần dần được cải thiện theo hướng đa dạng hơn.

Khi cuộc sống đang dần được cải thiện cũng là lúc chồng chị qua đời. Hai mẹ con nén đau thương, duy trì uống thuốc đều đặn để tiếp tục cuộc sống. Chị cho biết, hiện con gái lớn của chị đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, sức khỏe của cháu cũng khá ổn định.

Về phần mình, chị Thanh cho hay, sau khi người chồng đầu tiên qua đời, chị chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ đi bước nữa. Chị bảo, chị chỉ mong có sức khỏe để chăm sóc cô con gái thật tốt. Vì vậy, chị dành toàn bộ thời gian để làm việc, kiếm thu nhập, duy trì uống thuốc điều trị bệnh, đồng thời tiếp tục tham gia các hoạt động tuyên truyền của nhóm. Thế nhưng, cũng chính từ những buổi truyền thông, chị đã bén duyên với người chồng hiện tại. Anh là người gốc Nghệ An, trước đây bị nghiện ma túy và lây HIV từ việc dùng chung bơm kim tiêm, hiện anh đang điều trị thuốc ARV giống chị. Đồng cảm với hoàn cảnh của nhau, anh chị đã quyết định về “góp gạo thổi cơm chung”, san sẻ cùng nhau những buồn vui trong cuộc sống.

Khi biết mình có thai, chị Thanh cũng phân vân không biết nên làm thế nào. Được các bác sĩ tư vấn điều trị phòng ngừa để tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con, chị đã tuân thủ. Phép màu đã đến với vợ chồng chị khi đứa con có kết quả âm tính với “căn bệnh thế kỷ”. “Chúng tôi thực sự vỡ òa trong niềm vui sướng khi nhìn vào kết quả xét nghiệm của con. Quả thực quá hạnh phúc. Nhiều người đã đến chúc mừng vợ chồng tôi khi con hoàn toàn khỏe mạnh như người bình thường”, chị Thanh xúc động nói. Đó cũng là động lực để vợ chồng chị tiếp tục sinh cậu con trai kháu khỉnh, năm nay vừa tròn 2 tuổi. Kết quả xét nghiệm mới đây cho thấy, cháu bé khỏe mạnh, âm tính với HIV.

Giải đáp những thắc mắc về điều kỳ diệu trên, BS Nguyễn Xuân Hoài, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vũ Tây cho biết, do vợ chồng chị Thanh đã uống thuốc ARV để điều trị hơn 10 năm nay nên sức khỏe được cải thiện khá tích cực. Hơn nữa, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con chiếm khoảng 30% nên cơ hội đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh bình thường là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là niềm vui đến từ sự nỗ lực điều trị, sự lạc quan của vợ chồng chị Thanh và một phần may mắn đến từ niềm tin trong cuộc sống.

Sự thay da đổi thịt của “làng nhiễm HIV”

Theo ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tây, sau “cơn sốt” HIV của 15 năm về trước, hiện nay, Vũ Tây đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Ca nhiễm HIV gần đây nhất là năm 2012. Kể từ năm 2013 đến nay, cả xã không còn ca mắc mới nào. Hiện nay, trên toàn xã, số người nhiễm HIV còn sống là 58 người. Trong đó, 56/58 người đang duy trì uống thuốc điều trị ARV đều đặn. Để đạt được kết quả trên, xã Vũ Tây đã có nhiều nỗ lực trong việc truyền thông, vận động người dân trong việc phòng, chống HIV/AIDS như mỗi tuần, dành một buổi để tuyên truyền về HIV/AIDS trên hệ thống đài phát thanh của xã. Sau 15 năm, “làng nhiễm HIV” đã trở lại cuộc sống bình yên, không còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử; ý thức phòng, chống HIV/AIDS của người dân được nâng lên, mọi người đều hòa nhập, ai nấy đều chuyên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.

Giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con

Theo đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Hiện nay, 95% thuốc kháng virus (ARV) để điều trị cho người nhiễm HIV ở Việt Nam do các tổ chức quốc tế tài trợ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nguồn lực này sẽ bị cắt giảm nhanh và chưa có tổ chức nào cam kết hỗ trợ sau năm 2017.

Thuốc kháng virus (gọi tắt là ARV) là thuốc ức chế sự phát triển và nhân lên của virus. Người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV sẽ giảm nguy cơ chuyển sang AIDS, giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do vậy giảm được nguy cơ tử vong. Điều trị ARV còn giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác, bởi một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ HIV lây truyền từ người nhiễm sang người chưa nhiễm là nồng độ HIV trong máu người nhiễm HIV. Nồng độ virus trong máu người nhiễm HIV càng cao thì nguy cơ lây truyền HIV sang vợ hay chồng hoặc bạn tình của họ càng lớn. Khi điều trị bằng ARV, lượng virus trong máu được kìm hãm ở mức thấp, do vậy làm giảm khả năng lây truyền HIV qua quan hệ tình dục không an toàn. Điều trị bằng ARV cũng đồng thời giúp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo Mai Thùy

Gia đình & Xã hội