Mẹ mất do thiếu máu để truyền, người đàn ông đặt mục tiêu 100 lần hiến máu

(Dân trí) - Người đàn ông 60 tuổi ở TP Hồ Chí Minh đã 70 lần hiến máu nhưng vẫn đầy nuối tiếc vì “đã hết tuổi không được hiến”, nam trung niên 48 tuổi đã 70 lần hiến máu và đặt quyết tâm đạt đến 100 lần hiến máu. Với họ, hiến máu không chỉ là một thói quen không hiến là bứt dứt, họ hiến máu để góp phần nhỏ bé giúp đỡ những người bệnh cần máu.

Gặp những người “đến tháng” không hiến máu là bứt dứt

Sáng 4/6, gần 100 người với số lần hiến máu kỉ lục đã gặp gỡ tại hoạt động nhằm hướng đến Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc sắp tới.

Anh Nguyễn Trí Hiếu đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ, anh và các “chiến sĩ” hiến máu tình nguyện trên cả nước sẽ nguyện hiến máu đến khi không còn đủ tuổi hiến.

Mẹ mất do thiếu máu để truyền, người đàn ông đặt mục tiêu 100 lần hiến máu - 1

Anh Nguyễn Trí Hiếu đặt mục tiêu 100 lần hiến máu.

“Cá nhân tôi, tôi phấn đấu sẽ hiến máu đến 100 lần, khi không còn đủ điều kiện hiến nữa”, anh Hiếu nói.

Anh Hiếu cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân, mẹ anh mất sớm khi anh mới 20 tuổi vì thiếu máu truyền.

“Hình ảnh gia đình đi huy động mọi người hiến máu, rồi đi mua máu mà vẫn không đủ để truyền cho bà đến giờ tôi vẫn còn nhớ. Những năm 1994, khi phong trào hiến máu chưa phát triển, việc mua máu vẫn còn rất khó khăn do người dân vẫn chưa có nhiều thông tin, kiến thức về hiến máu tình nguyện. Không chỉ mẹ tôi mà thời điểm đó, rất nhiều bệnh nhân lẽ ra có cơ hội được sống tiếp nhưng do thiếu máu mà đã phải rời xa thế giới này. Nhiều khi nghĩ, nếu mẹ ở trong thời đại này, có lẽ mọi thứ đã khác. Thực sự phải khi bản thân, hoặc gia đình có người trong cơn họa nạn bạn mới biết trân quý sự giúp đỡ từ cộng đồng như thế nào”, anh Hiếu chia sẻ.

Vì thế, đến năm 1997, khi thấy những hình ảnh, những lời nói về hiến máu trên báo đài, nghĩ đến hình ảnh người mẹ nằm trên giường bệnh vì thiếu máu, anh Hiếu đã đăng kí hiến máu.

Để chuẩn bị cho cái “lần đầu tiên”, anh Hiếu ăn sáng đầy đủ nhưng lại không thể hiến vì sự chuẩn bị kĩ càng này. Muốn hiến máu, ngày hôm sau anh phải quay lại. Và kể từ đó đến nay, sau 22 năm anh Hiếu đã hiến máu đến 70 lần. Tính ra, cứ 3 tháng anh lại đi hiến máu một lần. Đến "kỳ" mà có việc không thể đi hiến được là người thấy bứt dứt, khó chịu.

"Có nhiều lần tôi hiến máu cho những người cần truyền máu khẩn cấp. Có lần, tôi đang đi làm thì được các bạn trong câu lạc bộ ngân hàng máu sống gọi đi hiến máu giúp 1 ca cấp cứu cho cháu bé ở Viện tim. Cơ quan tôi cũng tạo điều kiện cho đi ngay, những lần hiến máu như thế tôi rất nhớ, vì nếu mình không nhanh người bệnh sẽ nguy hiểm đến tính mạng", anh Hiếu chia sẻ.

Với bác Trần Thanh Long (Hồ Chí Minh), số lần hiến máu trong đời của bác phải dừng lại con số 70, vì bác đã 60 tuổi và đã hết tuổi hiến máu.

Mẹ mất do thiếu máu để truyền, người đàn ông đặt mục tiêu 100 lần hiến máu - 2

Bác Trần Thanh Long bày tỏ tiếc nuối vì đã hết tuổi hiến máu, dù bác thấy mình vẫn khoẻ khoắn, đủ điều kiện hiến máu.

Với bác, đây là một điều tiếc nuối. Khi không thể tiếp tục hiến máu, bác tham gia vào công tác vận động, truyền thông để người dân tham gia hiến máu.

Chàng thượng uý trẻ Nguyễn Hùng Hoà, tỉnh Bạc Liêu cũng đã "bén duyên" với phong trào hiến máu tình nguyện được 9 năm nay.

Đều đặn, cứ 4 tháng một lần anh lại đi hiến máu. Anh còn nhớ ngày hiến máu hơn nhớ ngày sinh nhật mình. Tham gia hiến máu từ năm 2010, đến nay anh đã 27 lần hiến máu.

Mẹ mất do thiếu máu để truyền, người đàn ông đặt mục tiêu 100 lần hiến máu - 3

"Với tôi, việc hiến máu mang lại niềm vui, hạnh phúc bởi giọt máu của mình góp phần cứu sống giúp người bệnh. Có lần, khi đang trong ca làm việc lúc 10 giờ đêm tôi nhận được điện thoại của BV đến hiến máu cứu cụ già  cần máu gấp. Với tôi, hiến máu cho mọi người, cũng như hiến máu, giúp đỡ chính người thân trong gia đình", Thượng uý Nguyễn Hùng Hoà chia sẻ.

Nhiều hoạt động tôn vinh người hiến máu

Từ ngày 4/6 đến 6/6/2019, tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện tổ chức các hoạt động Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

Thông điệp của Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6 năm nay được Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn là “Máu an toàn cho mọi người” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về máu an toàn, đồng thời kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe trên toàn thế giới tham gia hiến máu thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị của người bệnh cần máu.

Theo TS,BS Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, truyền máu là biện pháp điều trị có thể cứu sống người bệnh nhưng luôn tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro cho người bệnh, trong đó có việc lây nhiễm các mầm bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai.

Mẹ mất do thiếu máu để truyền, người đàn ông đặt mục tiêu 100 lần hiến máu - 4

Một trong những giải pháp quyết định và bền vững đó là xây dựng và duy trì được nguồn người hiến máu tình nguyện, thường xuyên. Đây là vấn đề của toàn cầu và Tổ chức Y tế thế giới đang hướng tới mục tiêu 100% đơn vị máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện và đạt tỷ lệ 2% dân số tham gia hiến máu vào năm 2020.

Tại Việt Nam, năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu (quy đổi là gần 1,6 triệu đơn vị máu 250ml); trong đó 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương hơn 1,4% dân số tham gia hiến máu (quy đổi là 1,68% dân số tham gia hiến máu), tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 42,5%.

Cũng vào dịp Ngày Quốc tế người hiến máu năm nay, chương trình vận động hiến máu có quy mô lớn nhất “Hành trình Đỏ” lần thứ VII sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 13/6 và kéo dài đến hết ngày 28/7/2019 với sự tham gia của 39 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là năm đầu tiên chương trình được tổ chức trong thời gian dài nhất, với sự tham gia của nhiều địa phương nhất.

Bài và ảnh: Hồng Hải