Mắt phỏng sinh học: Hy vọng mới cho người khiếm thị

(Dân trí) - Roger Pontz, sống ở Mỹ, đã bị mù từ nhiều năm trước, nhưng giờ đây thị lực của ông đã được phục hồi phần nào nhờ một loại “mắt” phỏng sinh học.

 

Mắt phỏng sinh học: Hy vọng mới cho người khiếm thị


 

Bị chẩn đoán viêm võng mạc sắc tố - một bệnh thoái hóa mắt - từ khi còn ở tuổi thiếu niên, Roger Pontz gần như đã bị mù hoàn toàn từ nhiều năm trước.

 

Giờ đây, nhờ phẫu thuật cấy mắt phỏng sinh học, thị lực của ông đã phục hồi đủ để nhìn thấy thấp thoáng người vợ, cháu trai và con mèo.

 

Roger Pontz là một trong số 4 người Mỹ được cấy võng mạc nhân tạo kể từ khi Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm nước này cấp phép cho thiết bị hồi năm ngoái.

 

Thiết bị được cấy ghép vào mắt trái của Pontz gồm một video camera nhỏ và bộ truyền dẫn gắn trên kính đeo mắt.

 

Hình ảnh từ camera được chuyển thành một loạt các xung điện truyền tới các điện cực trên bề mặt của võng mạc. Những xung này kích thích những tế bào còn lành của võng mạc, bắt chúng truyền tín hiệu đến thần kinh thị giác.

 

Thông tin sau đó được truyền lên não và chuyển thành dạng có thể nhận diện và diễn giải được, cho phép bệnh nhân phục hồi phần nào chức năng thị giác.

 

Viêm võng mạc sắc tố là một bệnh di truyền gây giảm thị lực từ từ nhưng tăng dần do mất dần các tế bào hình que và hình nón – những tế bào cảm nhận ánh sáng ở võng mạc.

 

Cẩm Tú    

Theo Telegraph