Mất ngủ làm tăng nguy cơ suy tim

(Dân trí) - Kết quả này được rút ra nghiên cứu với 54.279 người tham gia, độ tuổi từ 20 - 89 trong hơn 11 năm.

 

Mất ngủ làm tăng nguy cơ suy tim


 

TS Lars Laugsand, một nghiên cứu sinh bậc sau Tiến sĩ tại Khoa Y tế cộng đồng thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, và các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu từ những người tham gia Nghiên cứu Sức khỏe Nord-Trondelag (HUNT) từ năm 1995 đến năm 1997 và tất cả đều không từng bị suy tim tại thời điểm này. Và đến năm 2008, vào thời điểm đó đã có tổng cộng 1.412 trường hợp bị suy tim.

 

Những người tham gia vào nghiên cứu sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến giấc ngủ như: Có gặp khó khăn khi chìm vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ? với các câu trả lời lựa chọn như “không bao giờ”, “thỉnh thoảng”, “thường xuyên” và “hầu như mỗi đêm”; Có bao giờ thức dậy vào buổi sáng mà không thấy thoải mái? với các câu trả lời là “không bao giờ, vài lần một năm”, “một tới hai lần mỗi tháng”, “mỗi tuần một lần”, “nhiều hơn một lần một tuần”.

 

Sau khi xem xét các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả như tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân, giáo dục, ca làm việc, huyết áp, cholesterol, tiểu đường, chỉ số cơ thể, hoạt động thể chất, hút thuốc lá, rượu, bất kỳ cơn đau tim nào trước đó, trầm cảm và lo âu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc gặp khó khăn khi chìm vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ hầu như mỗi đêm, và mức độ thức dậy vào buổi sáng mà không thấy thoải mái nhiều hơn một lần một tuần có liên quan tới việc tăng nguy cơ suy tim khi so sánh với những người không bao giờ hoặc hiếm khi bị những triệu chứng này.

 

Khi nhìn vào số lượng các triệu chứng, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy nguy cơ suy tim cao gấp ba lần (353%) dựa vào số liệu thống kê ở những người có cả ba triệu chứng mất ngủ so với những người không có triệu chứng sau khi đã xem xét các yếu tố tác động khác ngoại trừ trầm cảm và lo âu. Còn nếu xét thêm yếu tố trầm cảm và lo âu thì nguy cơ suy tim cao hơn gấp bốn lần (425%).

 

Chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục, giảm cân và không hút thuốc lá có thể giúp giảm nguy cơ suy tim cũng như chứng mất ngủ.

 

TS Laugsand cho biết: “Chúng tôi liên hệ nguy cơ suy tim với ba triệu chứng chính của mất ngủ là khó ngủ, các vấn đề duy trì giấc ngủ và không cảm thấy thoải mái khi thức dậy vào buổi sáng. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phát hiện ra rằng những người bị chứng mất ngủ có nguy cơ suy tim cao. Những người có đồng thời cả ba triệu chứng có nguy cơ cao hơn đáng kể so với những người không có triệu chứng hoặc chỉ có một hay hai triệu chứng”.

 

Ông cũng cho biết cần nghiên cứu thêm để khẳng định liệu mất ngủ có gây suy tim.

 

“Vẫn chưa rõ lý do tại sao mất ngủ có liên quan đến nguy cơ suy tim cao. Chúng tôi có một số dấu hiệu cho thấy rằng đó có thể là do nguyên nhân sinh học. Một sự giải thích có thể đưa ra là khi mất ngủ cơ thể tiết ra hoóc-môn gây căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chức năng của tim. Tuy nhiên cần nghiên cứu thêm về vấn đề này”.

 

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Tim mạch châu Âu.

 

Hùng Cường

Theo sciencedaily & BBC