Mạng xã hội - Thủ phạm khiến 20% sinh viên trầm cảm và rối loạn lo âu

(Dân trí) - Nhiều người tin rằng học đại học là giai đoạn kỳ diệu của những trải nghiệm mới và tự do khám phá các ý tưởng cũng như tìm thấy chính bản thân mình. Tuy nhiên, trầm cảm và rối loạn lo âu đang tăng lên đáng báo động trong giới sinh viên.

Mạng xã hội - Thủ phạm khiến 20% sinh viên trầm cảm và rối loạn lo âu - 1

Theo báo cáo mới nhất của TT Sức khẻo tâm thần sinh viên Hoa Kỳ, rối loạn lo âu và trầm cảm là 2 lý do hàng đầu khi sinh viên tìm kiếm sự giúp đỡ.

Vậy tại sao các chứng bệnh này lại phổ biến ở sinh viên?

Theo chuyên gia tâm thần học David Rosenberg, ĐH bang Wayne, có các nguyên nhân sau:

Những nguy hiểm của công nghệ

Truyền thông xã hội và công nghệ là một trong những thủ phạm đáng ngại nhất.

Việc sử dụng mạng xã hội quá mức cũng sẽ gây ra sự cạnh tranh giữa cuộc sống ảo và cuộc sống thực của mỗi người. Đó là cuộc chiến giữa việc bị hút vào việc phải đăng tải những trải nghiệm trên mạng xã hội, những hình ảnh cá nhân thay vì tận hưởng những thời điểm đáng giá.

Nhiều sinh viên đang sống “kép” theo cách này và đôi khi cuộc sống ảo lại quan trọng hơn cuộc sống thực. Điều này không chỉ là các nhà khoa học nói với nhau mà nó đã được ghi nhận trong các nghiên cứu.

Một số nghiên cứu khác cho thấy nghiện điện thoại di động cũng như sử dụng điện thoại thông minh quá mức cũng liên quan với sự gia tăng của rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo lắng và căng thẳng.

Cụ thể, một nghiên cứu cho thấy gần 50% sinh viên cho biết họ thức giấc vào ban đêm để trả lời tin nhắn. Nghiên cứu tương tự cho thấy ngày càng nhiều người sử dụng công nghệ trong thời gian đáng lẽ dành cho việc ngủ, khiến chất lượng giấc ngủ giảm và nguy cơ trầm cảm, lo âu tăng lên.

Nhờ thuốc hỗ trợ

Những mục tiêu phải vào một trường cao đẳng tốt và điểm số cao khi học đại học có thể khiến sinh viên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các loại thuốc.

Trong 5 năm qua, lượng phụ huynh và sinh viên đề nghị được dùng các chất kích thích như Ritalin và Adderall đã tăng vọt. Cách đây 1 thập kỷ, rất hiếm có những đề nghị như vậy.

Những yêu cầu này thường được đưa ra trước các kỳ thi quan trọng. Tuy nhiên, các bác sĩ thường không đáp ứng yêu cầu này ngay mà sẽ thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá tâm thần.

Trên thực tế, các loại thuốc này hiệu quả với những bệnh nhân bị tăng động giảm chú ý nhưng nó cũng gây ra các tác dụng phụ khi sử dụng vào mục đích khác, không được bác sĩ kê đơn. Đó là nguy cơ rối loạn lo âu và trầm cảm.

Một “thủ phạm” khác là tỉ lệ trầm cảm trong xã hội đang tăng lên đáng kể trong 20 năm qua. Điều này có nghĩa là nhiều bậc cha mẹ cũng bị trầm cảm và nó có thể di truyền – nguy cơ trầm cảm ở trẻ có cha mẹ bị chứng bệnh này cũng cao hơn nhiều so với những trẻ có bố mẹ bình thường khác.

Hút thuốc cũng liên quan với các vấn đề giấc ngủ ở sinh viên và làm tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu.

Sinh viên có tiền sử tăng động giảm chú ý cũng có tỉ lệ rối loạn lo âu và trầm cảm cao hơn. Người ta ước tính có khoảng 2-8% sinh viên bị rối loạn này.

Các căng thẳng khác

Trong khi ngưỡng cửa đại học thú vị với rất nhiều người thì với số khác là nỗi nhớ nhà và nỗi lo chia ly. Những sinh viên này cũng có nguy cơ cao bị trầm cảm và rối loạn lo âu.

Căng thẳng tài chính do học phí tăng trong trường học, nỗi lo nợ nần và không có việc làm sau khi tốt nghiệp, sợ phải ăn bám bố mẹ sau khi tốt nghiệp... cũng liên quan với trầm cảm và rối loạn lo âu ở sinh viên.

Trước đây, chuyện “con hơn cha” là khá phổ biến nhưng hiện tại không còn là như vậy. Nhiều sinh viên tin rằng họ sẽ không thể đạt được những gì bố mẹ họ đã làm. Họ có cảm giác thất vọng và rằng không có nhiều công việc “tốt” nữa.

Các bậc phụ huynh cũng tham gia nhiều hơn vào việc học và đi làm của con cái. Họ cho rằng các nhà tư vấn, các ông chủ và các nhà nhân sự ngày càng sai lầm.

Sự giám sát quá mức của cha mẹ sẽ khiến sinh viên ngày càng phụ thuộc, dễ lo lắng và trầm cảm cũng như cản trở sự sáng tạo. David Rosenberg cho biết ông không có ý định đổ lỗi cho sự quan tâm thái quá của các bậc cha mẹ bởi họ luôn mong muốn những điều tốt nhất cho con cái mình. Tuy nhiên, đôi khi sự thất bại do không đạt được điểm A ở một môn nào đó lại giúp trẻ có suy nghĩ định hướng tích cực hơn cũng như khả năng cải thiện, khắc phục yếu điểm.

Vậy cần làm gì để giảm bớt lo âu và trầm cảm ở sinh viên?

Các phòng tham vấn tâm lý học đường hay chuyên nghiệp sẽ bảo mật và giúp sinh viên giải tỏa vấn đề một cách khoa học và hiệu quả.

Và điều “chớ trêu” là công nghệ vừa là thủ phạm nhưng cũng có thể là phương tiện điều trị trầm cảm của các nhà tâm lý, tâm thần học.

Nhân Hà

Theo DM