Mắc ung thư phổi có mổ được không?

(Dân trí) - Ung thư phổi là bệnh lý ác tính, tiên lượng rất dè dặt. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân mổ cắt thùy phổi hoặc cắt cả lá phổi, kèm theo vét hạch.

Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến ở nam giới nước ta. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng song không đặc hiệu như ho, tức ngực, khó thở… Bệnh nhân thường đến khám ở giai đoạn muộn.

Mắc ung thư phổi có mổ được không? - 1

Bệnh gồm 2 nhóm khác nhau về điều trị và tiên lượng bệnh: Ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm  15-20% và ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm 80-85%.

Điều trị ung thư phổi dựa vào thể trạng bệnh nhân, loại mô bệnh học, giai đoạn bệnh. Trong đó gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, có thể điều trị đơn thuần một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp.

Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ, giai đoạn O, I, II, IIIA.

Các phương pháp phẫu thuật ung thư phổi

Cắt thùy phổi kèm theo vét hạch rốn thuỳ, được chỉ định với bệnh nhân bị ung thư phế quản ngoại vi.

Cắt lá phổi kèm theo vét hạch rốn phổi và trung thất, có thể cắt một phần màng tim, thành ngực. Thường được chỉ định với ung thư ở phế quản gốc, cạnh carina và hoặc xâm lấn cực phế quản thyu trên.

Phẫu thuật cắt phân thuỳ trong trường hợp khối u nhỏ, nằm ngoại vi mà chức năng hô hấp còn hạn chế.

Sau phẫu thuật, tuỳ theo từng trường hợp bác sĩ có thể chỉ định kết hợp xạ trị hoặc hoá trị. Một số trường hợp có thể tiến hành xạ trị trước khi phẫu thuật, chỉ định với bệnh nhân bị ung thư giai đoạn IIIB, kích thước u quá lớn để xét khả năng phẫu thuật sau đó.

Với ung thư phổi tế bào nhỏ, điều trị gồm hóa trị và xạ trị.

Phòng bệnh

Không hút thuốc lá

Có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, làm việc hợp lý

Cần thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khi có triệu chứng ho kéo dài, đau ngực…

Hà An