Lưu ý sức khỏe trước khi kết hôn

Sức khỏe hôn nhân không chỉ là chuyện bảo đảm sức khoẻ cho ngày cưới mà còn là giữ gìn sức khỏe lâu dài cho hai con người sắp gắn bó suốt đời với nhau luôn được hạnh phúc và cho ra đời những đứa con khoẻ mạnh.

 

Lưu ý sức khỏe trước khi kết hôn - 1


 

Bệnh tật có thể di truyền

 

Trước hết là những bệnh tật có thể di truyền. Hôn nhân không chỉ là việc riêng của 2 người mà còn có thể ảnh hưởng đến xã hội, sẽ cho ra đời một vài cá thể mang một tập hợp gene mới khác hẳn mọi cá thể khác, có thể có chất lượng tốt hoặc xấu về thể chất và tâm trí tuỳ vào những gene nhận được từ cha mẹ.

   

Có khoảng 4% trẻ có khuyết tật di truyền và ít nhất 1% trẻ có bất thường nghiêm trọng ở nhiễm sắc thể vì thế không thể coi thường ảnh hưởng của các loại gene lên sức khỏe con người. Hơn nữa, cha ông ta có lời khuyên rằng: “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”. Vì thế, những bạn trẻ sắp kết hôn không thể không quan tâm đến lý lịch bệnh tật của người bạn đời tương lai.

 

Trong thực tế đã có nhiều trường hợp bản thân người sắp kết hôn hoặc thành viên trong gia đình có một bất thường nào đó hoặc có bệnh tật đáng ngờ đã rất lo ngại sẽ truyền bệnh cho con cháu. Những trường hợp này rất cần được thầy thuốc chuyên về các bệnh di truyền tư vấn để quyết định kế hoạch sinh đẻ.

 

Các bạn cần nhận thức rằng tư vấn di truyền không cản trở sự kết hôn mà chỉ đưa ra những phương hướng giúp đôi vợ chồng phòng tránh được những rủi ro sinh ra con có khuyết tật di truyền hoặc biết cách nuôi tối ưu những đứa trẻ có bệnh về chuyển hoá.

 

Sự khỏe mạnh của bộ máy sinh sản

 

Đây là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng vì một trong hai mục đích của hôn nhân là nhằm duy trì nòi giống.

 

Những người chưa từng có quan hệ tình dục trước hôn nhân có nhiều cơ may có hệ thống sinh sản lành mạnh; tuy nhiên cũng có nhiều bệnh ở cơ quan sinh dục không do quan hệ tình dục gây ra, không có biểu hiện bên ngoài, như viêm âm đạo do nấm candicans lây nhiễm từ hậu môn; hoặc do tắm rửa bằng nước ao hồ, lội ruộng; nhiễm HIV, có dị tật ở âm đạo, tử cung…

 

Do vậy, phụ nữ trước khi kết hôn cần được thầy thuốc phụ khoa đánh giá về sức khỏe sinh sản. Nếu cần thiết, thầy thuốc có thể khám phụ khoa qua đường hậu môn và cho làm xét nghiệm phiến đồ âm đạo; những thăm dò sơ bộ này có thể loại trừ được khả năng nhiễm khuẩn và cung cấp thông tin bước đầu về sự lành lặn của cơ quan sinh dục. Còn ở nam giới, có thể biết về tiềm năng sinh sản qua việc thăm khám 2 tinh hoàn và hỏi về những biểu hiện của sự phát triển tình dục.

 

Với những người đã từng có quan hệ tình dục và có hơn một bạn tình, việc quan trọng nhất về y tế là cần xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV. Điều này không chỉ  đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc và tin cậy của vợ chồng về lâu dài mà còn thể hiện thái độ có trách nhiệm với nhau cũng như với đứa con sẽ ra đời.

 

Cũng cần lưu ý là có nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục không có biểu hiện gì, mà ngay chính bản thân người mang bệnh cũng không biết. Chẳng hạn như có đến 70% phụ nữ bị nhiễm khuẩn Chlamydia mà không biết, và hơn một nửa số bệnh nhân bị mụn giộp sinh dục đã không có hoặc có triệu chứng rất nhẹ nên không biết bị mắc bệnh và đã không tìm gặp bác sĩ…

 

Điều đáng lo ngại là không phát hiện sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và những bệnh viêm nhiễm ở tiểu khung có thể ảnh hưởng xấu đến chuyện mang thai sau này.

 

Bàn kế hoạch sinh đẻ

 

Không nên chờ đến đêm tân hôn mới quyết định có thai ngay hay trì hoãn mà hãy bàn kế hoạch sinh đẻ ngay từ khi chưa kết hôn và tìm hiểu về những phương pháp tránh thai.

 

Những trung tâm tư vấn về sức khoẻ sinh sản ở các quận huyện đều có khả năng giúp những cặp đôi sắp kết hôn những thông tin cần thiết về các phương pháp tránh thai thích hợp và an toàn…

 

Sự hiểu biết và hành vi bảo vệ sức khoẻ sinh sản của các cặp vợ chồng không chỉ tốt cho cuộc sống của từng gia đình mà còn có thể  góp phần nâng cao chất lượng dân số. Mỗi người trong cộng động hãy nhận thức được điều này và thực hiện tốt việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng như bảo vệ tốt sức khỏe sinh sản trong suốt cuộc đời mình.

 

Theo BS Đào Xuân Dũng

Người lao động