Lưu ý khi truyền dịch chữa loãng xương

Mẹ tôi 65 tuổi, thường xuyên bị đau mỏi xương khớp. Vừa rồi lại còn bị ngã gãy xương. Đi khám, bác sĩ cho biết mẹ tôi bị loãng xương, cần phải uống thuốc điều trị.

Mẹ tôi 65 tuổi, thường xuyên bị đau mỏi xương khớp. Vừa rồi lại còn bị ngã gãy xương. Đi khám, bác sĩ cho biết mẹ tôi bị loãng xương, cần phải uống thuốc điều trị. Tôi nghe nói có một loại dịch truyền trị bệnh này sẽ không phải uống thuốc hàng ngày. Xin quý báo giúp tôi hiểu rõ hơn về loại dịch truyền này. Tôi xin cảm ơn!

Đỗ Văn Hạnh (Bắc Ninh)

Loãng xương là tình trạng mật độ canxi và khoáng chất trong xương suy giảm, làm cho xương trở nên giòn, xốp, dẫn đến nguy cơ gãy xương tăng cao. Những đối tượng có nguy cơ cao là người cao tuổi và phụ nữ sau mãn kinh.

Loại thuốc điều trị loãng xương đường truyền có chứa hoạt chất acid zoledronic, là một chất thuộc nhóm bisphosphonat, có tác dụng đối với bệnh nhân loãng xương do làm ức chế tế bào hủy xương. Bình thường khi sử dụng các thuốc nhóm bisphosphonat dạng uống, bệnh nhân phải uống khi đói, uống nhiều nước, sau khi uống phải ngồi hoặc đứng 30 phút vì thuốc có thể gây viêm thực quản và loét dạ dày. Dùng thuốc dạng tiêm truyền trực tiếp vào tĩnh mạch có thể khắc phục được nhược điểm này. Hơn nữa, thuốc chỉ cần truyền 1 lần/năm nên thích hợp với bệnh nhân hay quên uống thuốc hoặc không thể uống thuốc hoặc không tuân thủ điều trị. Tuy nhiên, thuốc có một số nhược điểm khi sử dụng như gây đau cơ (đây là tác dụng phụ hay gặp nhất), sốt, nôn, mệt mỏi, tiêu chảy, ho... Với trường hợp của mẹ bạn, nếu không tuân thủ được thuốc uống có thể trao đổi với bác sĩ để đổi sang dùng thuốc tiêm truyền nhưng phải do bác sĩ quyết định.

Theo ThS. Vân Anh

Sức khoẻ & Đời sống