Long An: Triển khai mọi biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi

(Dân trí) - Đến thời điểm hiện tại chưa xảy ra trường hợp dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Long An. Tuy vậy, Long An là địa bàn giáp biên giới, cửa ngõ vào TPHCM nên mọi công tác phòng chống dịch đều được kiểm soát chặt chẽ.

Long An: Triển khai mọi biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi - 1

8 chốt kiểm dịch được thành lập nhằm ngăn chặn các nguồn lợn không rõ nguồn gốc đưa vào Long An hoặc từ Long An đi TPHCM.

Vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết toàn tỉnh Long An đang triển khai mọi biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Do Long An là địa bàn khá phức tạp và rộng, các hộ chăn nuôi lợn chủ yếu nuôi nhỏ lẻ nên tình hình DTHCP càng có khả năng xuất hiện cao. Đây cũng là địa bàn giáp ranh với TPHCM nên nhiều đối tượng xấu sẵn sàng đưa lợn bệnh vào tiêu thụ để trục lợi. 

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Long An cũng ban hành Chỉ thị 06/CT-UBND về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh DTLCP. UBND tỉnh cũng phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP. Tiếp đó, thành lập ban chỉ đạo, đội phản ứng nhanh, đội kiểm tra lưu động cấp tỉnh, cấp huyện và lập 8 chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT cũng tăng cường kiểm tra giám sát các lò mổ trên địa bàn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở giết mổ lợn, trong đó có 8 cơ sở tại các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Tân Trụ xuất lợn về TP.HCM, công suất 300-1.000 con/đêm và 19 cơ sở tiêu thụ trong tỉnh, công suất 10-100 con/đêm. Năm 2018, tổng số lượng lợn nhập vào cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh hơn 2 triệu con, trung bình 1 tháng hơn 170.000 con nhưng những tháng đầu năm 2019, lượng lợn nhập vào các cơ sở giảm khoảng 30% so cùng kỳ. 

Long An: Triển khai mọi biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi - 2

Thịt lợn sạch được triển khai nuôi tại Long An nhằm ngăn ngừa dịch tả châu Phi.

Theo Chủ tịch UBND TP.Tân An - ông Lê Công Đỉnh, trước tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, thành phố tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm không để xảy ra DTLCP trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai các biện pháp phòng, chống DTLCP; phối hợp giữa các ban, ngành, chính quyền cấp xã, phường với các đoàn thể, huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP; chỉ đạo tốt việc thông tin, tuyên truyền để chính quyền các cấp, các tổ chức, đơn vị và người dân nhận thức rõ và chủ động tự giác thực hiện các quy định về phòng, chống DTLCP. 

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đinh Thị Phương Khanh: “DTLCP là bệnh rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc-xin phòng bệnh; vi-rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước, đặc biệt tại các nước có chung đường biên giới với nước ta, trong khi các hoạt động thương mại, du lịch đa dạng, khó kiểm soát, nên việc ngăn chặn dịch bệnh từ các nước vào Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức". 

Ngoài biện pháp kiểm tra giám sát, UB tỉnh Long An cũng chú trọng xây dựng chuỗi thịt lợn an toàn cho người dân sử dụng. "Hiện UB tỉnh đã hỗ trợ nuôi thịt lợn sạch tại 604 hộ ở các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và Tân Trụ), hỗ trợ nâng cấp 11 cơ sở giết mổ lợn và 29 chợ kinh doanh thịt; xây dựng điểm bán thịt lợn an toàn, hỗ trợ các địa phương xây dựng 14 điểm bán nông sản an toàn (có bán thịt lợn) và kế hoạch năm 2019 thêm 15 điểm bán nông sản an toàn. Người tiêu dùng nên chọn thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y", bà Khanh chia sẻ thêm.

Xuân Hinh