Loét miệng vì ăn bưởi khi uống thuốc ung thư

Đang điều trị thuốc ung thư phổi, bệnh nhân mỗi ngày ăn 1 quả bưởi và bị nứt nẻ, loét sâu các kẽ ngón và loét miệng. Nguyên nhân là do bưởi tương tác với thuốc.

Một bệnh nhân phát hiện ung thư phổi giai đoạn IV một năm trước, được điều trị thuốc đích (Tarceva). Gần đây đánh giá khối u giảm hơn phân nửa. Chưa kịp mừng thì bác sĩ bảo dừng thuốc vì tác dụng phụ nhiều quá: tay bị nứt nẻ, loét sâu các kẽ ngón, miệng loét khiến ăn uống khó khăn. 

Mặc dù giai đoạn đầu dùng thuốc rất ít tác dụng phụ, triệu chứng đó chỉ xuất hiện từ Tết đến nay. Hỏi kỹ thì bệnh nhân cho biết có ăn mỗi ngày 1 quả bưởi. Bệnh nhân được tư vấn dừng ăn bưởi ngay. 1 tháng sau ngừng bưởi tác dụng phụ của bác giảm dần.

Bưởi là một loại quả chứa rất nhiều vitamin A,C, chất xơ, kali... tuy nhiên lại có tương tác với nhiều loại thuốc. Nguyên nhân là do trong bưởi có chứa các hợp chất được gọi là furanocoumarins chặn các enzym CYP3A4, một enzym đóng vai trò chuyển hóa rất nhiều loại thuốc. Khi ăn bưởi, khả năng enzym phân hủy thuốc để loại bỏ sẽ bị giảm, nồng độ trong máu của thuốc có thể tăng lên, dẫn đến nguy cơ tác dụng phụ xấu đi. Một quả bưởi hoặc 200 ml nước bưởi là đủ để làm tăng nồng độ thuốc toàn thân có liên quan về mặt lâm sàng và các tác dụng phụ.

Có 85 loại thuốc có thể tương tác với bưởi như:

Thuốc điều trị ung thư: Crizotinib, dasatinib, erlotinib,everolimus, lapatinib, nilotinib, pazopanib, sunitinib, vandetanib, vemurafenib.Docetaxel, paclitaxel, vincristine…

Thuốc kháng sinh như: Erythromycin, halofantrine, maraviroc, primaquine, quinine, rilpivirine..

Thuốc điều trị mỡ máu: Atorvastatin, lovastatin, simvastatin

Thuốc dùng để điều trị bệnh tim và mạch máu: Amiodarone, apixaban, clopidogrel, dronedarone, eplerenone, felodipine, nifedipine, quinidine, Rivaroxaban, ticagrelor

Thuốc ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (alfentanil uống, buspirone, dextromethorphan, fentanyl uống, ketamine uống, luraidone, oxycodone, pimozide, quetiapine, triazolam, ziprasidone

Thuốc chống nôn: Domperidone

Loại bưởi được nghiên cứu nhiều nhất là bưởi đắng hay bưởi chùm (Grapefruit), được tạo ra bởi lai giữa cam ngọt cùng với bưởi. Bề mặt ngoài của nó khá mịn và nhẵn. Loại bưởi này sẽ có ruột có màu đỏ hoặc màu hồng nhìn rất bắt mắt. Bưởi Việt Nam cũng có thành phần furanocoumarins nên vẫn tương tác với thuốc.

Cam Seville hay Cam Bigarade là một loại cam vị chua gắt nổi tiếng, được trồng khắp trên vùng Địa Trung Hải, có vỏ dày, bề mặt gợn lăn tăn, được dùng làm mứt cam cũng có chứa furanocoumarins (cam Việt Nam không phải loại cam này nên ăn thoải mái).

Ngoài ra ra chanh (lime) loại chanh Việt Nam hay ăn cũng chứa furanocoumarins. 

BS Trịnh Thế Cường, Bệnh viện E
Theo Khoa học và đời sống