Lơ là tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh: Nguy hiểm

(Dân trí) - Tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh đến nay đạt 18,9%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 (12,2%) nhưng đây vẫn là một tỉ lệ thấp ở mức báo động. Điều này đồng nghĩa với trẻ sẽ có một loạt nguy cơ về sức khỏe do không được bảo vệ bởi vắc xin viêm gan B.

Tiêm sụt giảm

Theo bà Dương Thị Hồng, Trưởng Văn phòng chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B rất thấp, đạt 18,9%. Dù con số này có cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 nhưng đây thực sự là mối lo lắng cho cộng đồng bởi Việt Nam là một trong những nước chịu gánh nặng bệnh tật rất lớn do viêm gan B.
 
Tiêm phòng vắc xin viêm gan B sơ sinh trong 24h đầu sau sinh tại BV Đa khoa Đức Giang. Ảnh: H.Hải
Tiêm phòng vắc xin viêm gan B sơ sinh trong 24h đầu sau sinh tại BV Đa khoa Đức Giang. Ảnh: H.Hải

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng, cho biết, Việt Nam là 1 trong 9 nước tại Tây Thái Bình Dương được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan cao đáng báo động. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở nước ta khá cao, chiếm khoảng 10-20% dân số. Việc điều trị người viêm gan cũng rất tốn kém. Các chuyên gia ước tính, trung bình người nhiễm vi rút viêm gan B phải tiêu tốn khoảng 60 - 200 triệu đồng tiền thuốc mỗi năm và thời gian điều trị kéo dài từ 1-2 năm.

Thế nhưng sau sự cố 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B ở Quảng Trị, dù vắc xin viêm gan B đã được minh oan không phải là nguyên nhân gây nên cái chết của 3 em bé này, nhưng người dân vẫn chưa lấy lại được lòng tin để cho con trẻ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh.

Theo bà Hồng, sự sụt giảm tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh rất đáng báo động. Bởi việc tiêm vắc xin viêm gan B càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh, tốt nhất trong vòng 24 giờ đầu là cách tốt nhất để phòng lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con từ 80-85%. Nếu trẻ tiêm vắc xin viêm gan B muộn sau khi sinh thì việc phòng tránh lây truyền bệnh từ mẹ sang con sẽ bị giảm.

“Cụ thể nếu tiêm vắc xin viêm gan B vào thời điểm 7 ngày sau khi sinh, khả năng phòng lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ đạt 50-57%. WHO cũng khuyến cáo mọi trẻ em cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B sơ sinh trong 24h đầu sau sinh và đến nay đã có khoảng 100 quốc gia thực hiện lịch tiêm này”, bà Hồng nói.

Ngoài ra, tiêm vắc xin viêm gan B sớm không chỉ có hiệu quả tốt, phòng lây truyền viêm gan từ mẹ sang con trong khi sinh mà còn giúp trẻ sơ sinh sớm được bảo vệ phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước, chảy máu. Đây chính là thời gian vàng để có được hiệu quả bảo vệ cao nhất của vắc xin viêm gan B trong phòng bệnh viêm gan B.

Hệ lụy nguy hiểm

BS Tấn cho biết, bênh viêm gan B gây tổn thương tế bào gan và dẫn đến hậu quả là viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan. Bệnh viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan, 25% bệnh nhân nhiễm vi rút viêm gan B sẽ diễn tiến biến chứng xơ gan, ung thư gan nếu không được điều trị. 100% ung thư gan ở trẻ em là do viêm gan B. Vi rút viêm gan B chủ yếu lây qua đường máu, lây từ mẹ sang con trong khi sinh hoặc quan hệ tình dục không an toàn.

Trong khi đó mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm vi rút viêm gan B và nhiễm vi rút viêm gan B ở độ tuổi càng trẻ thì nguy cơ gây viêm gan mạn tính hoặc ung thư gan sau này càng cao. Trẻ dưới 6 tuổi khi bị nhiễm vi rút viêm gan B hầu như đều dẫn tới viêm gan mạn tính. Đặc biệt, có tới 80 - 90% trẻ đẻ ra bị nhiễm vi rút viêm gan B trong thời gian 1 năm đầu đời và 30 - 50% trẻ bị nhiễm vi rút viêm gan B trước 6 tuổi sẽ có viêm gan mạn tính sau này.

Là một căn bệnh nguy hiểm nhưng đến nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào đối với bệnh viêm gan B. Tiêm phòng vắc xin viêm gan B được xem là biện pháp hữu hiệu nhất phòng tránh căn bệnh nguy hiểm viêm gan B hiện nay.

Theo Bộ Y tế, để tăng tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh, việc xây dựng các mô hình tiêm chủng vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24h là vô cùng cấp thiết.

Như tại BV Đa khoa Đức Giang, theo BS Trần Bùi Quang Dương, Phó Giám đốc BV, sau sự cố tại tại Quảng Trị, bệnh viện đã dừng tiêm vắc xin viêm gan B trong thời gian ngắn nhưng sau đó đã tiêm trở lại và luôn đạt tỉ lệ khoảng 90%.

BS Dương cho biết tại bệnh viện mỗi năm khoảng 5.000 trẻ sơ sinh ra đời và việc tiêm phòng viêm gan B sơ sinh luôn duy trì tỉ lệ trên 90%.  Tỉ lệ còn lại không tiêm đều là do chống chỉ định.

“Tuy nhiên thực tế nhiều người dân chưa hiểu hoàn toàn về lợi ích của mũi tiêm vắc xin viêm gan B trong 24h đầu sau sinh. Khi băn khoăn không muốn tiêm và được giải thích của nhân viên y tế, em bé lại được khám chỉ định rõ ràng nên đại bộ phận người dân đồng ý tiêm cho trẻ. Vì thế, vai trò của cán bộ y tế với mũi tiêm vắc xin đầu đời của trẻ vô cùng quan trọng. Cán bộ y tế phải giải thích cho cha mẹ nguy cơ và mũi sớm này giúp trẻ giảm nguy cơ mắc viêm gan B đến 90%”, BS Dương nói.

Theo BS Vũ Thị Nga, Trưởng khoa Sơ sinh, đây là mũi tiêm nhạy cảm nhất bởi một  cơ thể non nớt vừa sinh ra, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến các bà mẹ vô cùng lo lắng. Vì thế, việc khám sàng lọc trước khi có chỉ định tiêm được thực hiện rất chặt chẽ.

Ngoài ra, bệnh viện cũng yêu cầu cha mẹ phối hợp để tiêm vắc xin an toàn cho trẻ. Theo đó, sau khi tiêm xong 30 phút phải theo dõi tại phòng tiêm rồi mới được bế trẻ về phòng. Phòng tiêm được bố trí hợp lý, đối diện phòng cấp cứu sơ sinh để nếu có tình huống sẽ kịp thời cấp cứu.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng  Cục Y tế dự phòng cho biết, vắc xin phòng viêm gan B đã được ghi nhận an toàn và có hiệu quả cao. Có thể có trường hợp phản ứng nhẹ sau khi tiêm như: cảm giác đau, đỏ hoặc sưng nhẹ tại chỗ tiêm (ở khoảng 15% người lớn, 5% trẻ em), sốt nhẹ (khoảng 1 - 6%). Những phản ứng dị ứng cũng như biến chứng do vắc xin này là rất hiếm như nổi ban, khó thở chiếm tỷ lệ khoảng 1/600.000 liều. Vắc xin viêm gan B đến nay là vắc xin an toàn nhất với trẻ, vì thế các mẹ không nên quá lo lắng mà hãy cho trẻ đi tiêm đúng lịch để phòng những nguy cơ nguy hiểm do bệnh viêm gan B gây ra.

Hồng Hải