“Lập trình” dinh dưỡng cải thiện đề kháng cho trẻ sinh mổ

(Dân trí) - Trẻ sinh mổ có rất nhiều nguy cơ đặc biệt là “lỗ hổng” trên sức đề kháng nên dễ mắc bệnh. Việc tiếp cận để “lập trình” chỉnh sửa bằng cách thay đổi hệ vi sinh đường ruột theo chiều hướng tốt là giải pháp khoa học giúp giảm bệnh tật cho trẻ.

Tại Hội thảo về: “Tầm quan trọng của DHA và Probiotics Bifidobacterium trong 1000 ngày đầu đời của trẻ” (tổ chức ngày 26/5 tại TPHCM) GS.TS.BS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho hay: “Những thập kỷ gần đây, khoa học nhi khoa thế giới đã khẳng định 1000 ngày đầu đời của trẻ tính từ khi được thụ thai cho đến lúc 2 tuổi là giai đoạn vàng. Đây là thời kỳ quan trọng giúp trẻ hình thành, hoàn chỉnh hệ thần kinh, chức năng miễn dịch và các cơ quan khác tạo tiền đề cho sự phát triển suốt cả cuộc đời. Phát hiện này được xem là cơ hội cho sự tác động tích cực, giúp trẻ có được những gì tốt nhất cho việc cải thiện những khiếm khuyết trước và sau khi chào đời”.

“Lập trình” dinh dưỡng cải thiện đề kháng cho trẻ sinh mổ - 1

1000 ngày đầu đời sẽ là giai đoạn vàng cho sự phát triển của trẻ

GS Gia Khánh khẳng định, việc bổ sung dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của não bộ, hệ thống thấn kinh của trẻ. Dinh dưỡng hợp lý và khoa học sẽ thúc đẩy và hoàn thiện quá trình xây dựng hệ thống miễn dịch để trang bị “vũ khí” cho cơ thể chống chọi với bệnh tật trong suốt cuộc đời, phòng tránh được các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, ung thư…

Cùng quan điểm trên, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội tổng quát 2, Bệnh viện Nhi Đồng 1 – Phó trưởng Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược, TPHCM cho rằng: Không chỉ có trẻ cần ưu tiên bổ sung các dưỡng chất cần thiết và vi khuẩn có lợi mà ngay cả người trưởng thành cũng cần lưu ý tăng cường khi cơ thể có biểu hiện suy yếu hệ miễn dịch. Một trong những đối tượng cần được ưu tiên hàng đầu là nhóm trẻ chào đời bằng phương pháp sinh mổ.

PGS Anh Tuấn chỉ ra: “Những nghiên cứu khoa học và thực tế cho thấy, trẻ sinh mổ ngoài những nguy cơ chấn thương trong cuộc mổ do dao rạch, những khó khăn trong lúc bắt bé ra khỏi bụng mẹ có thể gây gãy xương đòn, gãy tay… Trẻ sinh mổ còn đối mặt với nguy cơ sinh non, đôi khi thai phụ và cả bác sĩ nghĩ rằng trẻ đã tới ngày tới tháng có thể chào đời nhưng một số người mẹ chu kỳ kinh không đều nên việc tính thời gian sinh trưởng của thai kỳ bị sai dẫn tới trẻ sinh ra chưa được trưởng thành như mong đợi”.

“Lập trình” dinh dưỡng cải thiện đề kháng cho trẻ sinh mổ - 2

Nhóm trẻ sinh mổ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ sinh thường

Mặt khác: “Trẻ sinh mổ thường nằm ở nơi khác để chờ mẹ được bác sĩ hoàn tất các bước hậu phẫu nên khả năng được tiếp xúc, bú mẹ sớm giảm dần. Sau khi chào đời bằng phương pháp sinh mổ, trẻ dễ bị các bệnh lý hô hấp như khò khè, nhiễm trùng hô hấp. Trẻ dễ bị hen suyễn, viêm phổi, các bệnh lý không lây nhiễm như đái tháo đường, tim mạch…”

Khác với trẻ sinh thường khi đi qua âm đạo, cơ thể người mẹ đã chuẩn bị sẵn nhiều loại vi khuẩn có lợi giúp bảo vệ trẻ trước khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Đây là yếu tố quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể của trẻ, tuy nhiên trẻ sinh mổ không được thụ hưởng nhóm vi khuẩn có lợi để ức chế vi khuẩn có hại từ âm đạo của người mẹ.

Lâu nay, cộng đồng nghĩ rằng miễn dịch của cơ thể là do tủy xương nhưng hiện nay khoa học đã chứng minh, đường ruột của cơ thể là nơi đào tạo từ 70% đến 80% tế bào miễn dịch của cơ thể, nếu hệ tiêu hóa tốt, sức đề kháng của cơ thể sẽ tốt theo. Trẻ sinh thường, đã đủ ngày, đủ tháng đường ruột được phủ đầy những vi khuẩn có lợi, nhờ đó trẻ rất thuận lợi trong việc hấp thu dinh dưỡng, sức đề kháng tốt. Trẻ sinh mổ không được thụ hưởng điều này, sức đề kháng thường yếu hơn, dễ bị bệnh tấn công.

“Lập trình” dinh dưỡng cải thiện đề kháng cho trẻ sinh mổ - 3

 Phụ huynh cần chú ý về vấn đề dinh dưỡng để tăng đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh ở trẻ

Theo PGS Anh Tuấn để khắc phục những bất lợi cho trẻ sinh mổ, giúp tăng cường đề kháng, trẻ cần được bổ sung nhóm vi khuẩn có lợi được gọi chung là chủng Probiotic hay còn gọi là men vi sinh. Trong đó, chủng Bifidobacterium animalis (BB12) được các nhà khoa học khuyến cáo sử dụng cho trẻ qua thức ăn, sữa công thức, sữa lên men hoặc dạng viên uống hoặc gói uống. Khi bổ sung men vi sinh, hệ vi khuẩn trong đường ruột sẽ tốt hơn, cải thiện chức năng hoạt động của đường ruột giúp trẻ ít bị tiêu chảy hơn so với trẻ không được dùng.

Các nghiên cứu cho thấy, trẻ trong gia đoạn đầu đời mới sinh, đặc biệt những trẻ sinh mổ khi được sử dụng BB12 lớn lên sẽ ít bị ho hen, nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi hơn những trẻ khác. Những trẻ được bổ sung men vi sinh BB12 trong giai đoạn đầu đời giúp giảm được 31% nguy cơ nhiễm trùng hô hấp.

PGS Tuấn khẳng định, trẻ sinh mổ có rất nhiều nguy cơ đặc biệt là “lỗ hổng” trên sức đề kháng, việc tiếp cận để chỉnh sửa, lập trình bằng cách thay đổi hệ vi sinh đường ruột theo chiều hướng tốt sẽ là giải pháp khoa học để nâng cao chất lượng sống cho trẻ, giúp giảm bệnh tật. Các bác sĩ chuyên khoa nhi và những ông bố, bà mẹ có con nhỏ đặc biệt là nhóm trẻ sinh mổ cần chú ý để có giải pháp bổ sung hợp lý, tăng cường đề kháng giúp trẻ phát triển tốt cả về thể lực và trí lực.

Vân Sơn