Làn sóng bác sĩ bỏ bệnh viện công, chớ để góp gió thành bão

Liên tục trong thời gian gần đây, tại một số bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh đang có một “làn sóng” xin nghỉ việc của các bác sĩ, thậm chí có cả bác sĩ trưởng khoa và phó khoa. Lý do đơn giản là thu nhập thấp, không được đãi ngộ tương xứng, áp lực công việc quá lớn…nên ra bệnh viện tư làm có thu nhập cao hơn nhiều so với bệnh viện công.

“Chảy máu” bác sĩ - không còn là chuyện lạ

Ngay sau khi có thông tin gần đây đồng loạt các bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện ĐK TP Cần Thơ viết đơn xin nghỉ việc, trao đổi với phóng viên suckhoedoisong.vn, BS Bùi Thị Lê Phi, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện tại, tại BVĐK TP Cần Thơ chỉ có 3 bác sĩ nghỉ việc vì lý do gia đình. Tuy nhiên, chính BS. Phi cũng thừa nhận là tại Bệnh viện ĐK TP Cần Thơ đã có 14 lá đơn của các bác sĩ tại các chuyên khoa xin nghỉ công tác tại bệnh viện nhưng chưa nghỉ và bệnh viện đang thuyết phục, động viên các bác sĩ này ở lại công tác.

Vào tháng 5.2016 một hiện tượng “lạ” cũng đã xảy ra tại BV đa khoa khu vực huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Một bệnh viện đa khoa trong vòng 3 tháng có tới 6 bác sỹ xin nghỉ việc, trong đó 3 bác sỹ là trưởng các khoa khám bệnh, ngoại chấn thương chỉnh hình và khoa ngoại tổng quát. Thậm chí có bác sỹ còn không chờ đến sự chấp thuận của lãnh đạo BV. Theo Giám đốc BV này, tất cả các bác sỹ đều nghỉ việc với lý do thu nhập thấp không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống nên phải đi tìm việc khác.

Trước đó, thông tin về việc bác sỹ bỏ việc liên tục xảy ra tại Đắk Lắk, Đắk Nông. Theo thống kê của Sở Y tế Đắk Lắk, trong vòng 3 năm có tới 48 bác sỹ bỏ bệnh viện. Trong đó, chỉ tính riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã có 12 bác sỹ bỏ việc, đa số là bác sỹ chuyên khoa, chuyên khoa I, thạc sĩ, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tương đối vững vàng. Tại Đắk Nông, trong 2 tháng cũng đã có 5 bác sỹ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông nghỉ việc. Và nguyên nhân chỉ là do thu nhập thấp, không thể trang trải được cuộc sống.

Hiện nay tình trạng bác sỹ bỏ việc vì thu nhập thấp không phải chỉ xảy ra ở tuyến cơ sở mà ngay tại một số BV tuyến T.Ư cũng có không ít bác sĩ nghỉ việc để “đầu quân” về các BV tư, BV liên kết với nước ngoài với mức lương lên đến cả trăm triệu đồng/tháng.

Cứ trả lương cao, bác sĩ sẽ gắn bó với bệnh viện

Mới đây, khi Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được tái bổ nhiệm, một số đại biểu Quốc hội đã gửi gắm tới Bộ trưởng Bộ Y tế rằng cần phải xem lại cơ chế đãi ngộ cho cán bộ y tế.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, sinh viên thi vào các trường y, dược đều là tầng lớp học giỏi nhất, tinh hoa nhất thì mới đậu. Học y hết sức vất vả nhưng khi đi làm chế độ đãi ngộ lại như những công chức viên chức khác.

“Bản thân tôi, tốt nghiệp Tiến sĩ ở nước ngoài về, tôi cũng mất 2 năm lãnh 85% lương tập sự bậc 1 như mọi người và thi biên chế. Như vậy các em mới ra trường làm sao lo được cho gia đình, cho bản thân.Trong khi đó nếu chịu khó tích lũy kiến thức rồi đi làm ngoài lương cao hơn nhiều” – đại biểu Phong Lan cho biết.

Theo đại biểu Phong Lan, cứ trả lương cao là thầy thuốc sẽ làm tốt. Mà việc trả lương cao là một cách đánh giá của xã hội, không cần phải hô khẩu hiệu nào là nghề cao quý, nào là lương y như từ mẫu nhưng mà mức lương không đủ sống thì làm sao cán bộ y tế gắn bó hết mình với công việc được.

Làn sóng bác sĩ bỏ bệnh viện công, chớ để góp gió thành bão - 1

PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng cho rằng: Bác sĩ đứng ghép tạng cả đêm nhưng cơ chế chỉ được mấy trăm bạc thì không có nghĩa lý gì. Chữa bệnh là trách nhiệm của thày thuốc nhưng đi liền với trách nhiệm phải là quyền lợi tương xứng để thày thuốc yên tâm làm việc, cống hiến.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng y tế từng nói: Người thầy thuốc làm việc với 2 động cơ: Phục vụ người bệnh và nghiên cứu khoa học. Nhưng nay họ có thêm động cơ khác, đó là mưu sinh. Trong thời buổi ngày nay, vấn đề mưu sinh của thầy thuốc đang càng trở nên quan trọng.

Trước thực tế bác sĩ bỏ bệnh viện công, nhiều bác sĩ cho rằng công việc của thày thuốc đang ngày càng căng thẳng, nhiều áp lực về cả thời gian và từ phía người người bệnh nhưng mức thu nhập không đủ chi phí cuộc sống nên việc các bác sỹ bỏ việc là điều dễ hiểu...

Cách đây nhiều năm, Bộ Y tế cũng đã đưa ra dự báo rằng: Những bất cập trong đãi ngộ thầy thuốc sẽ làm “chảy máu” chất xám, không động viên khuyến khích cán bộ y tế tích cực làm việc, nghiên cứu, học tập và nảy sinh một số tiêu cực. Và đến nay điều đó có vẻ như đang dần trở thành hiện thực.

Bác sĩ ở các nước luôn có thu nhập cao nhất:

Tại Mỹ, thu nhập của bác sỹ phẫu thuật mỗi năm là 219.770 USD (106 USD cho mỗi giờ lao động), cao nhất trong số các ngành nghề. Tại Anh, thu nhập của bác sỹ cao nhất với 45.600 bảng (khoảng 73.400 USD)/năm. Tại Nga, thu nhập trung bình hàng tháng của bác sỹ khoảng hơn 2.000 USD (cao hơn mức sống trung bình 1,5 lần), tại Hàn Quốc là 6.000 USD/tháng. Còn tại một nước thuộc khối ASEAN như Singapore, thu nhập hàng tháng của bác sỹ khoảng 2.500 USD, cao trong các ngành nghề.

Tại Mỹ, thu nhập của bác sỹ phẫu thuật mỗi năm là 219.770 USD (106 USD cho mỗi giờ lao động), cao nhất trong số các ngành nghề. Tại Anh, thu nhập của bác sỹ cao nhất với 45.600 bảng (khoảng 73.400 USD)/năm. Tại Nga, thu nhập trung bình hàng tháng của bác sỹ khoảng hơn 2.000 USD (cao hơn mức sống trung bình 1,5 lần), tại Hàn Quốc là 6.000 USD/tháng. Còn tại một nước thuộc khối ASEAN như Singapore, thu nhập hàng tháng của bác sỹ khoảng 2.500 USD, cao trong các ngành nghề.

Theo Thanh Tâm

Sức khoẻ & Đời sống