Lần đầu tiên ghép thành công hạch bạch huyết

(Dân trí) - Sau phẫu thuật, xạ trị ung thư vú, bệnh nhân bị bị biến chứng phù bạch mạch cánh tay trái to bất thường gây đau đớn, nguy cơ ung thư hóa. Bằng phương pháp ghép hạch bạch huyết, bác sĩ đã can thiệp thành công cho người bệnh.

Ngày 3/4, Ths.BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu - Ngoại tổng quát, bệnh viện quận Thủ Đức (bệnh viện hạng I) cho biết, tại đây vừa thực hiện thành công phương pháp ghép hạch bạch huyết trên người bệnh bị biến chứng sau điều trị ung thư vú.

Lần đầu tiên ghép thành công hạch bạch huyết
Cánh tay bệnh nhân (ảnh phải) phù nề trước phẫu thuật, cánh tay (ảnh trái) đã trở lại bình thường sau ghép hạch bạch huyết

Bệnh nhân T.H (41 tuổi) bị ung thư vú trái, đã phẫu thuật, xạ trị xong vào tháng 4/2014. Tuy nhiên, sau xạ trị bệnh nhân có biểu hiện phù tay trái. Tình trạng phù nề tăng dần không chỉ khiến bệnh nhân đau đớn mà còn hạn chế sinh hoạt. Dù đã được điều trị bảo tồn, nhưng phương pháp trên không hiệu quả. Bệnh nhân đã nhập bệnh viện quận Thủ Đức điều trị từ tháng 1/2015. Sau khi hội chẩn ê kíp bác sĩ khoa Ung bướu - Ngoại tổng quát đã quyết định thực hiện tái tạo tuyến vú và ghép hạch bạch huyết cùng lúc cho bệnh nhân.

Cuộc phẫu thuật phức tạp kéo dài hơn 8 tiếng đã được ê kíp thực hiện thành công. Hơn 2 tháng sau ngày bác sĩ can thiệp, mô vú tái tạo cho bệnh nhân đã phục hồi tốt, cánh tay trái giảm phù nhiều, giảm đau, cải thiện vận động. BS Triệu Vũ cho biết, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật ghép hạch bạch huyết, phương pháp trên sẽ mang lại hy vọng cho bệnh nhân bị di chứng sau điều trị ung thư vú.

Theo BS Triệu Vũ, phù tay sau điều trị ung thư vú là biến chứng thường gặp, chiếm từ 8-56% bệnh nhân. Nguyên nhân do sau phẫu thuật, kết hợp xạ trị đã làm tổn thương các đường dẫn bạch huyết tại vùng nách, lượng bạch huyết từ cánh tay không thể lưu thông được, lâu ngày tích lũy và gây phù tay. Biến chứng của phù bạch mạch gây đau đớn, hạn chế vận động, dễ bị loét nhiễm trùng. Khi tình trạng phù kéo dài có thể gây ung thư hóa cho bệnh nhân.

Trước đây, phù bạch huyết là biến chứng chưa có cách điều trị triệt để. Hiện nay, y học đã tìm ra nhiều cách can thiệp phẫu thuật cho bệnh nhân, trong đó phổ biến nhất là nối tĩnh mạch, bạch mạch (tạo đường thoát từ bạch mạch sang tĩnh mạnh) hoặc ghép hạch bạch huyết (tạo lại đường dẫu lưu bạch huyết). Những bệnh nhân bị phù ít có thể điều trị bảo tồn như: hạn chế mang vật nặng, nâng cao tay bị phù, băng ép, mát xa tại chỗ, giữ vệ sinh sạch sẽ… Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không đáp ứng hoặc phù nặng kéo dài thì phải can thiệp phẫu thuật.

Trước tình trạng nhiều bệnh nhân gặp phải biến chứng nêu trên, bệnh viện quận Thủ Đức đã cử bác sĩ đi học và tập huấn tại Mỹ, Hàn Quốc. Đến nay, khoa Ung bướu - Ngoại tổng quát của bệnh viện đã có thể thực hiện cả 2 phẫu thuật nối tĩnh mạch, bạch mạch và ghép mạch bạch huyết phối hợp tái tạo tuyến vú cho người bệnh.

Vân Sơn