Làm sao có ngày nghỉ vui khoẻ?

Không riêng gì dịp nghỉ lễ 2/9 này, mà những ngày thường khác, nghỉ ngơi cũng cần thực hiện đúng cách để giúp cơ thể nạp lại kịp thời, đầy đủ năng lượng.

 

Làm sao có ngày nghỉ vui khoẻ? - 1


 

Có người sau những ngày nghỉ thấy mình rất hưng phấn, sức khoẻ dồi dào nhưng cũng có người lại có cảm giác mệt mỏi hơn, chán nản hơn dù đã hao tốn không ít tiền bạc, thời gian cho những hoạt động nghỉ ngơi. Vì sao lại như vậy?

 

Những quan niệm sai lầm

 

Nghỉ ngơi là ngừng mọi hoạt động: như nằm một chỗ ngủ suốt ngày hay xem tivi, đọc sách báo... Cách này chỉ đúng phần nào khi cơ thể có sự mệt mỏi quá lớn, còn với những người mệt ít hơn, nghỉ thụ động như thế không phục hồi được. Từ 0 – 3 giờ là khoảng thời gian giấc ngủ đạt độ sâu tối đa, do vậy, dù có cố ngủ thêm thì giấc ngủ cũng sẽ không có chất lượng như mong muốn.

 

Trái lại, ngủ quá nhiều dẫn đến đồng hồ sinh học loạn nhịp, khiến cơ thể mệt mỏi hơn, sự sinh trưởng và phát triển của các tế bào trong cơ thể, cũng như các tế bào thần kinh bị hạn chế, từ đó làm giảm khả năng miễn dịch. Ngoài ra, nằm quá lâu cũng làm ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hoá, giảm lượng máu lưu thông, khiến chân tay bị tụ huyết, gia tăng quá trình lão hoá.

 

Nghỉ ngơi là phải vui chơi hết sức mình: các hoạt động vui chơi nếu ở mức độ vừa phải có tác dụng thư giãn nhưng nếu quá độ, cơ thể phải làm việc quá sức, rất có hại cho sức khoẻ, nhất là những trò chơi cảm giác mạnh: leo núi, tàu lượn siêu tốc, đu dây, lướt sóng… hay các hình thức thể thao có va chạm mạnh, có thi thố ăn thua sẽ làm tình trạng căng thẳng trầm trọng thêm sau khi kết thúc.

 

Ngoài ra, những lựa chọn nghỉ ngơi kiểu như nhập bữa ăn sáng và bữa trưa làm một để có thời gian ngủ nướng; tận dụng rảnh rỗi làm việc nhà bù cho những ngày đi làm; kỳ vọng quá nhiều vào một kỳ nghỉ sau thời gian làm việc mệt mỏi; không có kế hoạch sắp xếp hợp lý giữa nghỉ ngơi, việc nhà, việc cơ quan hoặc cố gắng theo đuổi những kế hoạch vui chơi, du lịch quá khả năng về thời gian, sức khoẻ, điều kiện tài chính… cũng khiến cơ thể gánh chịu những tác động không tốt, dễ đau dạ dày, béo phì và nhất là không đạt được mục đích nghỉ ngơi.

 

Để nghỉ ngơi hiệu quả

 

Đúng lúc, đúng nơi: đây là yêu cầu hàng đầu của chế độ nghỉ ngơi, nghỉ sớm hoặc chậm quá đều không có lợi cho sức khoẻ. Thời gian nghỉ nhiều hay ngắn cần dựa vào mức độ mỏi mệt. Ngủ sớm, dậy sớm, tập thể dục thể thao đều đặn, người sẽ thoải mái dễ chịu.

 

Ngủ muộn quá 12 giờ đêm và thức dậy muộn sẽ làm cho người mệt mỏi và có cảm giác ngủ không đẫy giấc. Nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh. Đi ngủ vào khoảng 22 giờ 30, và tốt nhất phải ngủ cho say từ 0 giờ đến 3 giờ.

 

Đúng cách, đúng sở thích: tuỳ sức khoẻ, sở thích và điều kiện riêng mà chọn cách nghỉ ngơi thụ động (ngồi nghỉ hoặc nằm nghỉ. Cách này làm hồi phục sức khỏe mà không gây hưng phấn cho giờ lao động sau, không thích hợp với người lao động trí óc) hay nghỉ ngơi tích cực (thay đổi hoạt động của cơ thể sang trạng thái khác như chuyển từ lao động trí óc sang lao động chân tay hoặc những việc nhẹ nhàng, dễ chịu, đem lại niềm vui như: làm vườn, câu cá, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao...

 

Cách này có tác dụng phục hồi sức khoẻ rất lớn, phù hợp cho những người lao động trí óc, những người làm việc tĩnh tại nhiều). Bên cạnh nghỉ ngơi, cũng cần đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Cố gắng giải phóng suy nghĩ khỏi những vấn đề công việc ở cơ quan và những công việc sẽ phải thực hiện sau kỳ nghỉ.

 

Đúng sức: vận động trong chế độ nghỉ ngơi là điều nên làm, ngay cả ở nhà thì cũng nên kiếm hoạt động nào đó vừa sức thực hiện, như đi bộ chẳng hạn. Cần tuyệt đối tránh những kiểu sinh hoạt đột ngột, trái với nhịp sinh học cơ thể. Số ngày nghỉ nếu quá ngắn (1 – 2 ngày) không có lợi cho đi nghỉ ở nơi xa vì cơ thể chưa kịp thích ứng với môi trường mới thì đã phải lên đường trở về.

 

Theo ThS.BS Phan Thị Ngọc Vân

Sài Gòn tiếp thị