Lạm dụng kháng sinh, trẻ dễ bị viêm khớp dạng thấp

Phần lớn mọi người vẫn nghĩ bệnh viêm khớp thường chỉ xuất hiện ở người lớn do quá trình thoái hóa của hệ xương khớp, tuy nhiên thực tế có khá nhiều trẻ em cũng mắc bệnh này, nhất là thể viêm khớp dạng thấp, và ngày càng có xu hướng tăng.

Khớp do viêm họng, kháng sinh

 

Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp

Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp

 

Những ngày gần đây tại các tỉnh phía Bắc, thời tiết thay đổi thất thường, khó chịu, khiến những người có tiền sử mắc bệnh viêm khớp phải nhập viện điều trị tăng cao. Hầu hết những bệnh nhân viêm khớp dạng này là người cao tuổi, do ảnh hưởng của quá trình lão hóa hệ xương khớp. Tuy nhiên, tại bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ bị bệnh đau khớp, viêm khớp dạng thấp cũng khá nhiều. TS. Lê Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp, BV Nhi Trung ương cho biết, gần đây số trẻ nhập viện vì viêm khớp có xu hướng ngày càng tăng. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cha mẹ đưa con đi khám như: đau mỏi xương khớp tuổi đang lớn, viêm khớp cấp tính do vi khuẩn, do lao, viêm sau chấn thương, bệnh khớp mãn tính…

 

Chúng tôi gặp bệnh nhân Nguyễn Đăng L, (10 tuổi, ở Phú Thọ) đang nằm điều trị viêm khớp tại BV Nhi Trung ương. Mẹ cháu L kể, hơn 1 năm trước, thấy cháu kêu bị đau nhức gối, gia đình đưa đến BV huyện khám thì được bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm cơ cần tiêm kháng sinh. Tuy nhiên mới cho tiêm được khoảng 2 tháng thì cháu càng đau dữ dội hơn, “may trong nhà có người em làm nghề y yêu cầu dừng tiêm kháng sinh ngay nếu không muốn bị liệt”. Tại BV Nhi Trung ương, sau một thời gian ngắn điều trị, hiện tình trạng bệnh của cháu đã tiến triển tốt, các cơn đau giảm dần.

 

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội cho biết, trong quá trình hành nghề khám bệnh ông cũng đã gặp và chữa trị cho rất nhiều cháu bé mới chỉ 5, 6 tuổi cũng đã mắc bệnh đau cơ, khớp. Tuy nhiên khác với viêm khớp ở người lớn, bệnh đau khớp ở trẻ em thường gặp nhất là viêm khớp dạng thấp, thể bệnh rất nguy hại đến tim. Ông Trung nhấn mạnh, dù hiện nay y học vẫn chưa khẳng định rõ các nguyên nhân gây bệnh viêm khớp ở trẻ, tuy nhiên phần lớn trẻ mắc bệnh này là do biến chứng của bệnh viêm họng và uống kháng sinh quá liều, lạm dụng kháng sinh quá mức dẫn đến những phản ứng có hại của cơ thể.

 

Không thể chủ quan

 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai cho biết, không phải mọi trẻ em viêm họng đều bị viêm khớp dạng thấp (thấp tim) tuy nhiên trên thực tế vẫn có khoảng 20-30% các ca viêm họng do nguyên nhân liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A dễ gây ra nhiều biến chứng nặng nề như thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận. Đặc biệt, việc tùy tiện sử dụng kháng sinh điều trị viêm họng rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ gây biến chứng.

 

Theo ông Dũng, vào mùa hè bệnh viêm họng ở trẻ em thường gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là do virus, một phần nhỏ hơn do vi khuẩn... Đáng chú ý, việc sử dụng kháng sinh chỉ có tác dụng với những trường hợp viêm họng do vi khuẩn, trong khi có đến 80% bệnh nhân viêm họng là do virus và viêm họng mãn tính thì dùng kháng sinh không có tác dụng. Vì vậy, khi trẻ bị viêm họng mà có các biểu hiện như viêm kết mạc, chảy mũi, ho, tiêu chảy… các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng, không nên vội mua kháng sinh về cho trẻ uống. Nếu trẻ bị sốt cao, mệt mỏi, sưng đau hạch cổ, xương khớp, nổi xuất huyết… thì cần đưa trẻ đi khám ngay.

 

Ngoài bệnh viêm khớp dạng thấp thì viêm khớp mãn tính ở trẻ cũng là bệnh khá phổ biến, bệnh có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Theo TS. Lê Minh Hương, khi bị viêm khớp mãn tính, trẻ thường sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng aspirin liều thông thường. Bệnh có thể gây ra những tổn thương ở màng ngoài tim, các mạch máu trong và ngoài tim, viêm cơ tim… Viêm khớp mãn tính ở trẻ được điều trị bằng các thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoid, ức chế miễn dịch, vật lý trị liệu… Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ có thể bảo tồn được các khớp và hạn chế tối đa sự biến dạng gây tàn phế.

 

Theo Nguyễn Phan

An ninh thủ đô