Kỳ lạ nơi bác sĩ xin tri ân người bệnh

(Dân trí) - Có mặt tại buổi lễ tri ân người bệnh, ông Bùi Huy Minh (73 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) không khỏi xúc động và bất ngờ. “Đây là lần đầu tôi nghe, chứng kiến chuyện nhân viên y tế tri ân người bệnh. Trước nay, người ta chỉ nghĩ đến chuyện làm sao để cảm ơn nhân viên y tế sau điều trị”, ông Minh chia sẻ.

Chiều 5/6, tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) lần đầu tiên diễn ra hoạt động tri ân người bệnh. Những người bệnh tham dự sự kiện đều rất xúc động, họ đa phần là những người bệnh quen mặt tại viện, có người điều trị được 2 – 3 năm, có người vẫn đang trong quá trình điều trị.

Kỳ lạ nơi bác sĩ xin tri ân người bệnh - 1

Đo huyết áp cho bệnh nhân tại BV đa khoa Nông nghiệp.

Ông Minh chia sẻ thêm, ông từng mổ đục thuỷ tinh thể 2 mắt ở bệnh viện. Sau khi phẫu thuật, thỉnh thoảng ông lại nhận được cuộc điện thoại của nhân viên y tế gọi từ Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp nhắc ông cách uống thuốc, nhỏ mắt, vệ sinh mắt sau mổ. "Giờ lại được bệnh viện mời lên để tri ân, tôi rất xúc động, chưa từng thấy", ông Minh nói.

Tại buổi lễ tri ân người bệnh, hội thảo khoa học điều dưỡng diễn ra ngày 5/6,  PGS.TS Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp cho biết, buổi lễ tri ân này không "lạ" và hoàn toàn hợp với xu thế. Theo PGS Tùng, đối với nhân viên y tế thực hiện công tác khám chữa bệnh thì bệnh nhân chính là người thầy lớn nhất. "Việc tri ân người bệnh chính là hoạt động gắn kết giữa nhân viên y tế và những “người thầy” ấy", PGS Tùng nói.

Kỳ lạ nơi bác sĩ xin tri ân người bệnh - 2

Theo PGS.TS Hà Hữu Tùng, bệnh nhân chính là người thầy lớn nhất của nhân viên y tế.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp cũng thẳng thắn bày tỏ, bệnh viện muốn có khách hàng thì cần phải thay đổi tư duy, đồng hành với bệnh nhân, hiểu nhu cầu tâm tư người bệnh. Không chỉ chữa bệnh và còn phải chăm lo cho người bệnh. Chính vì thế người thầy thuốc phải nhìn nhận lại những vấn đề chưa đáp ứng được để thay đổi.

Đặc biệt, PGS Tùng đánh giá cao vai trò của những người điều dưỡng. Họ chính là những người tiếp xúc bệnh nhân nhiều nhất, thực hiện y lệnh của bác sĩ để mang lại kết quả điều trị tốt.

"Theo tôi, người bác sĩ có thể tạo ra thương hiệu bệnh viện nhưng nhưng điều dưỡng viên chính là những người làm nên chất lượng dịch vụ bệnh viện. Họ là người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh nhiều nhất", PGS Tùng chia sẻ.

Đánh giá về vai trò của điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, đến nay tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú đạt hơn 80% có đóng góp không nhỏ từ chăm sóc của người điều dưỡng. Bởi điều dưỡng chính là những người tiếp xúc người bệnh, chăm sóc người bệnh nhiều nhất.

Hồng Hải