Kiểm soát an toàn máu: Nhanh nhưng phải bảo đảm!

(Dân trí) - Máu được sử dụng rộng rãi trong các chuyên khoa nhằm bổ sung lượng máu hay thành phần trong máu bị mất đi, hoặc để hồi sức…. Do đó, việc sàng lọc máu và đảm bảo nguồn máu an toàn cho bệnh nhân là hết sức quan trọng và cần thiết cho mọi nền y tế.

 


BS CKII Phù Chí Dũng trình bày về quy trình kiểm soát máu an toàn 

BS CKII Phù Chí Dũng trình bày về quy trình kiểm soát máu an toàn 

Nguy cơ lây bệnh từ máu truyền

Theo WHO, có đến 40% lượng máu hiến trên toàn cầu (ước tính thế giới thu nhận 108 triệu đơn vị máu hiến mỗi năm) không được kiểm nghiệm triệt để, khiến cho người nhận máu có khả năng bị nhiễm bệnh.

Còn theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, mặc dù người cho máu đều có xét nghiệm HBsAg (-) nhưng viêm gan vi rút B sau truyền máu vẫn có thể xảy ra khoảng 1 - 4 %, (không kể trường hợp xét nghiệm sai) bởi người cho máu đang ở giai đoạn “cửa sổ” (chiếm khoảng 10%); người nhiễm vi rút viêm gan B kéo dài với HbsAg.

Tại Việt Nam, theo BS. Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Huyết học – Truyền máu TP. HCM, điều đáng lo ngại nhất khi truyền máu hay chế phẩm máu vào cơ thể chính là nguy cơ nhiễm vi rút viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV), HIV. Bởi tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc các bệnh này không ít, đặc biệt là viêm gan B.

Và trên thực tế, theo số liệu thống kê toàn quốc, tỉ lệ huyết thanh dương tính với HIV, HCV không hề thấp, khi tỉ lệ huyết thanh dương tính với HIV là 0,28%, HCV là 0,4% và HBV là 8-25% tính trên 89 triệu dân; còn tỉ lệ này ở người hiến máu lần lượt là 0,04% - 0,17% và 11,4%.

Trong khi đó, cứ một người hiến máu sẽ có từ 1-4 người nhận máu. Như vậy nguy cơ lây truyền HIV, HCV và HBV là rất cao.


Phòng xét nghiệm với hệ thống kỹ thuật NAT hiện đại của BV Truyền máu - Huyết học TƯ

Phòng xét nghiệm với hệ thống kỹ thuật NAT hiện đại của BV Truyền máu - Huyết học TƯ

Cách nào kiểm soát an toàn máu?

Trong bối cảnh truyền máu vẫn còn tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm, các ngân hàng máu đã phải dành nhiều thời gian và đầu tư, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến khác nữa để đảm bảo nguồn máu an toàn.

Cụ thể, trước đây 10 năm, người hiến máu sẽ được khám sức khoẻ, thử máu. Sau khi có kết quả tốt mới đến hiến máu. Tuy nhiên, cách này tiềm ẩn nhiều rủi ro như lẫn giữa máu lấy xét nghiệm và máu hiến.

Tiếp đó, ngoài việc khám sàng lọc ban đầu, các xét nghiệm kết hợp xét nghiệm huyết thanh và kỹ thuật khuyếch đại axit nucleic (nhằm phát hiện các kháng thể và kháng nguyên để đảm bảo máu và các chế phẩm từ máu không mang mầm bệnh) thực hiện trực tiếp ngay trên túi máu thu được.

Và từ tháng 1/2015, thực hiện Thông tư 26/2013, sàng lọc NAT – kỹ thuật được FDA Hoa Kỳ công nhận năm 2002 - được đưa vào chương trình sàng lọc máu tại Việt Nam nhằm phát hiện sớm hơn các vi rút lây nhiễm qua đường máu, cụ thể rút ngắn giai đoạn cửa sổ một cách đáng kể như từ 82 ngày xuống còn 59 ngày cho HCV (vi rút viêm gan C); từ 59 ngày xuống 25 ngày cho HBV (vi rút viêm gan B) và  và từ 21 ngày xuống 11 ngày đối với HIV.

Theo BS CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP. HCM, kỹ thuật NAT sử dụng phản ứng chuỗi polyme giúp phát hiện trực tiếp các RNA và DNA của vi rút, từ đó phát hiện các mầm bệnh nguy hiểm ngay từ giai đoạn.

Kết quả sàng lọc HBV, HCV và HIV bằng kỹ thuật NAT trên máu hiến âm tính với sàng lọc huyết thanh từ 27/5 - 19/8/2015 tại bệnh viện Truyền máu - Huyết học đã phát hiện 52/47.905 mẫu máu dương tính với vi rút HBV (chiếm 0,108%); HCV là 0% và HIV là 53/47.905 ca (0,11%).

Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP. HCM, Ngân hàng máu đầu tiên của khu vực miền Nam đã triển khai thành công kỹ thuật NAT trong sàng lọc máu.

Và với việc chính thức được chấp thuận của Bộ Y tế, UBND TP. HCM và Sở Y tế TP. HCM, kỹ thuật NAT đã trở thành kỹ thuật thường quy trong sàng lọc tại bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP. HCM. Và đến năm 2018 kỹ thuật này sẽ được áp dụng trên toàn quốc.

Theo ông Rod Ward, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Roche Việt Nam, cho rằng Việt Nam hiện đã tiếp cận được với những giải pháp tiên tiến theo chuẩn quốc tế.

Như vậy, để đảm báo an toàn truyền máu, máu cần được sàng lọc qua 4 công đoạn khác nhau: sàng lọc bằng bảng câu hỏi, sàng lọc qua thăm khám bác sĩ, xét nghiệm huyết thanh học và đặc biệt là xét nghiệm NAT dành cho các mẫu máu nghi ngờ.

Nhân Hà