Không nên dùng thuốc cảm lạnh cho trẻ dưới 6 tuổi

(Dân trí) - Không nên dùng thuốc chống ngạt mũi cho trẻ dưới 6 tuổi vì không có bằng chứng cho thấy chúng có tác dụng.


Không nên dùng thuốc cảm lạnh cho trẻ dưới 6 tuổi - Ảnh 1.

Các thuốc không kê đơn (OTC) này không có hiệu quả làm giảm những triệu chứng như nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, nhưng lại tiềm ẩn những tác dụng phụ nguy hiểm đối với trẻ, theo BS. An De Sutter, trưởng khoa y học gia đình và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Đại học Ghent, Bỉ.

Một số thuốc chống ngạt mũi "có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng, như tăng huyết áp, kích động và co giật".

Tổng kết bằng chứng mới đã làm tăng thêm sức nặng cho cảnh báo năm 2008 của FDA rằng không nên dùng các thuốc trị ho và cảm lạnh cho trẻ dưới 2 tuổi và phải thận trọng khi dùng cho trẻ lớn.

Hội Nhi khoa Mỹ cũng khuyến cáo không nên sử dụng thuốc OTC và thuốc cảm lạnh cho trẻ dưới 4 tuổi, BS. Jeffrey Gerber, giám đốc y khoa của Chương trình Quản lý Kháng sinh tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia cho biết.

"Nói chung, ở người lớn, nguy cơ và lợi ích có thể tương đương. Còn ở trẻ em, nguy cơ lớn hơn lợi ích".

Cảm lạnh thường do vi-rút gây ra, và các triệu chứng thường hết trong vòng bảy đến 10 ngày. Trẻ em thường bị khoảng 6 đến 8 đợt cảm lạnh mỗi năm, so với 2 đến 4 đợt ở người lớn.

Bằng chứng nay từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc chống sung huyết rất ít hoặc không có tác dụng giảm bệnh cho trẻ em.

Các tác giả nghiên cứu kết luận rằng không nên dùng các thuốc chống sung huyết hoặc thuốc có chứa kháng histamin cho trẻ dưới 6 tuổi và thận trọng khi dùng cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi.

Sự đánh đổi chỉ đơn giản là không xứng đáng, BS. Gerber nói, ngay cả khi khả năng xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng là rất nhỏ.

"Ví dụ, bạn có thể bị tương tác thuốc khiến tim đập nhanh", ông giải thích. "Nếu đã có sẵn bệnh lý từ trước mà không biết, thuốc có thể làm trầm trọng thêm và gây ra loạn nhịp tim. Điều này không thường xảy ra, nhưng đó là một khả năng."

Các thuốc OTC không có tác dụng tốt hơn nhiều lắm đối với người lớn. Sử dụng thuốc chống sung huyết đơn thuần hoặc cùng với thuốc kháng histamin hoặc thuốc giảm đau có thể có hiệu quả chút ít đối với mũi bị tắc hoặc chảy nước mũi, trong tối đa ba đến bảy ngày.

Nhưng người lớn có nguy cơ tăng tác dụng phụ như mất ngủ, ngủ gà, đau đầu hoặc kích ứng dạ dày. Một nghịch lý là sử dụng lâu dài thuốc chống sung huyết để giảm nghẹt mũi có thể dẫn đến nghẹt mũi mãn tính.

Cũng chưa có đủ bằng chứng ủng hộ việc sử dụng các thuốc OTC hoặc điều trị tại nhà khác, như xông, máy làm ẩm không khí nóng, thuốc giảm đau, cạo gió, echinacea hoặc probiotics.

Theo báo cáo, rửa mũi hoặc nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý là cách an toàn nhất của cha mẹ để làm giảm nghẹt mũi cho trẻ, nhưng những cách này có thể không hiệu quả.

Cha mẹ có thể sử dụng acetaminophen (Tylenol trẻ em) hoặc ibuprofen (Motrin trẻ em) để hạ sốt, đau nhức cho trẻ, và máy tạo ẩm phun sương mát có thể giúp co mạch ở đường mũi để thở dễ dàng hơn. Ngoài ra, trẻ nên uống nhiều nước để giữ đủ nước.

Cẩm Tú

Theo WebMD