TPHCM:

Không có khoa dinh dưỡng, bệnh viện có nguy cơ bị xuống hạng

(Dân trí) - Hiện trên địa bàn thành phố mới chỉ có khoảng 80% các bệnh viện có khoa dinh dưỡng, đây là vấn đề gây ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sở Y tế yêu cầu trong năm 2016, tất cả các bệnh viện phải lập khoa dinh dưỡng nếu không muốn xuống hạng.

Thông tin trên được đại diện Sở Y tế cho biết tại Hội nghị tổng kết các hoạt động dinh dưỡng năm 2015 tại TPHCM và triển khai kế hoạch năm 2016.

Theo đó, công tác dinh dưỡng được xem là một trong những nội dung trọng tâm của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn thành phố mới chỉ có khoảng 80% các bệnh viện trên địa bàn có khoa dinh dưỡng – tiết chế.

Trẻ đến khám và chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Dinh dưỡng, TPHCM
Trẻ đến khám và chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Dinh dưỡng, TPHCM

Tình trạng trên cho thấy, công tác chăm sóc dinh dưỡng cho cộng đồng tại các bệnh viện chưa có khoa dinh dưỡng không được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc chăm sóc dinh dưỡng hỗ trợ cho bệnh nhân sau điều trị cũng đang bị bỏ ngỏ.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay, theo quy định của Bộ Y tế, tất cả các bệnh viện phải thành lập khoa dinh dưỡng - tiết chế thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh tại các khoa lâm sàng và tổ chức khám, tư vấn điều trị dinh dưỡng tại phòng khám dinh dưỡng.

Năm 2016, Sở Y tế thành phố sẽ kiểm tra và giám sát công tác dinh dưỡng tại các bệnh viện trực thuộc. Những bệnh viện chưa có khoa dinh dưỡng sẽ phải nhanh chóng thành lập. Đối với bệnh viện không lập khoa dinh dưỡng sở sẽ xem xét các vấn đề liên quan có hình thức xử lý phù hợp, trường hợp nặng nhất bệnh viện có thể sẽ bị xuống hạng.

Liên quan đến vấn đề dinh dưỡng trên địa bàn thành phố, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng cho hay: “Trong năm qua, mặc dù tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ ngày càng giảm, các chương trình phòng chống thiếu máu, thiếu i-ốt, thiếu vitamin A đã được cộng đồng hưởng ứng tích cực, song tỷ lệ trẻ trong độ tuổi học đường bị thừa cân béo phì lại gia tăng nhanh. Hiện có tới 41,4% học sinh ở tất cả các cấp bị thừa cân, béo phì với 15,4% trong số đó bị tăng huyết áp. Đây được xem là gánh nặng dinh dưỡng trong xã hội công nghiệp hóa, đô thị hóa.”

Vân Sơn