Khối u ác tính khiến bé gái mất gần hết 2 bên phổi

(Dân trí) - Sau lần phẫu thuật cắt toàn bộ phổi trái, khối u ác tính tiếp tục tấn công sang phổi phải. Trước nguy cơ bệnh nhân tử vong bất kỳ lúc nào, bác sĩ đã quyết định phẫu thuật khai thông đường thở cho bé.

Ca bệnh thương tâm trên là trường hợp của bé Trần Thị T. (12 tuổi, quê Hà Tĩnh) vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM tiếp nhận, can thiệp. Khai thác bệnh sử ghi nhận, năm 2018, sau nhiều ngày ho kéo dài, uống thuốc không thuyên giảm, bé được gia đình chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM điều trị. Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhi có khối u ở phế quản gốc trái, gây xẹp toàn bộ phổi trái. Cháu đã được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ phổi trái, sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhi dần cải thiện.

Tuy nhiên, gần đây, tình trạng của bé có diễn tiến xấu, cháu trở lại bệnh viện thì được bác sĩ chẩn đoán khối u tái phát và tấn công sang phế quản gốc bên phải. Gia đình, suy sụp và tuyệt vọng vì không tìm ra phương án điều trị khả quan, bệnh nhi đối mặt với nguy cơ tử vong vì thường xuyên bị suy hô hấp nặng. Thời điểm bệnh tái phát, bác sĩ chưa thể xác định khối u là dạng lành tính hay ác tính, bệnh nhi được chuyển sang Bệnh viện Ung Bướu, TP HCM tìm giải pháp can thiệp.

Khối u ác tính khiến bé gái mất gần hết 2 bên phổi - 1

Bé gái được các bác sĩ phẫu thuật giữ lại sinh mạng khiến người mẹ xúc động trào nước mắt

BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Trong một lần chúng tôi được mời hội chẩn cho một bệnh nhi khác, các bác sĩ tình cờ đề cập đến trường hợp của bé T. nghe qua tình trạng của cháu đã thấy rất thương tâm nên tôi đến thăm bệnh. Sau trao đổi chuyên môn, bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 1 để thực hiện các kiểm tra và tìm giải pháp điều trị”.

Sau 2 ngày chuyển viện, bệnh nhi bị suy hô hấp nặng phải hỗ trợ thở oxy liên tục. BS Trung Hiếu tâm sự: “Cháu gần như không thể nằm mà chỉ ngồi tựa vào tường, giấc ngủ trở thành điều xa xỉ với bé vì những cơn suy hô hấp khiến cường độ thở nhanh và gấp, cháu không thể chợp mắt. Chúng tôi đã tiến hành nội soi đường hô hấp để kiểm tra nhưng ống nội soi bị kẹt lại ở phế quản gốc phải không thể luồn qua được vì khối u đã bít tắc gần như toàn bộ lòng khí quản. Biện pháp để xử lý khối u nếu thực hiện theo phương án như lần trước, bệnh nhi sẽ mất luôn lá phổi bên phải, điều đó đồng nghĩa với sự sống sẽ khép lại”.

“Còn nước còn tát” bệnh viện Nhi Đồng 1 đã mời Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hội chẩn. Các bác sĩ xác định, giải pháp duy nhất để cứu bệnh nhi là phẫu thuật xử lý khối u. Ngày 12/6, sau 5 giờ khẩn trương trong phòng mổ, bác sĩ Trung Hiếu cùng ê kíp đã cắt bỏ phế quản gốc bên tay phải và vùng thấp nhất của khí quản (vùng Carina) lấy phế quản trung gian phổi phải cắm lại vào khí quản.

“Chúng tôi buộc phải lựa chọn phương án cuối cùng với hy vọng giữ lại sự sống cho bệnh nhi. Cấu tạo của 2 lá phổi gồm 5 thùy, bên trái 2 thùy đã cắt 2 năm trước, bên phải 3 thùy, nay tiếp tục phải cắt bỏ thùy trên, cháu chỉ còn lại 2 thùy dưới của phổi phải. Nếu phẫu thuật thất bại chúng tôi sẽ mất bệnh nhi, nhưng nỗ lực của ê kíp đã có kết quả ngoài mong đợi, sau khi khâu nối phế quản trung gian vào khí quản 2 thùy phổi của bệnh nhi lưu thông khí rất tốt, chúng tôi thở phào trong vui mừng. Quá trình hậu phẫu thuận lợi, bệnh nhi nhanh chóng được cai máy thở” – BS Đào Trung Hiếu chia sẻ.

Kết quả sinh thiết mẫu bệnh phẩm sau phẫu thuật cho thấy, bệnh nhi bị bướu nguyên bào sợi cơ viêm (một dạng ác tính). Dự kiến, sau khi ổn định sức khỏe, cháu sẽ được chuyển tiếp về bệnh viện Ung Bướu điều trị ung thư.

Vân Sơn