Khó thở “hậu phẫu”: Coi chừng thuyên tắc phổi!

(Dân trí) - Ngoài những bệnh nhân có rối loạn đông máu, người bình thường trong quá trình mổ đẻ, mổ gãy xương, một vài cục máu đông, mỡ, mô tế bào, bọt khí…cũng có thể lọt vào dòng máu và lên phổi gây ra thuyên tắc.

Nếu được điều trị kịp thời, thuyên tắc phổi được cứu sống ngoạn mục. Tiếc thay, những dấu hiệu gợi ý ban đầu của thuyên tắc phổi thường không nghèo nàn, điển hình, nên bệnh hay bị bỏ qua….

Tổng quan về thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi không thật sự là một bệnh của hệ thống hô hấp. Chính xác hơn, nó là một biến chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu, đi theo dòng máu và đến bít tắc các động mạch phổi khiến sự trao đổi khí không xảy ra, thường gọi nôm na là “chết đuối trên cạn”. Thuyên tắc phổi là một cấp cứu nội khoa, cần phải được chẩn đoán sớm, xử trí tích cực mới kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Thuyên tắc phổi là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba trong nhóm bệnh tim mạch tại các nước phát triển. Tử vong do thuyên tắc phổi lên tới 30% nếu bệnh không được điều trị và chiếm 15% tất cả các nguyên nhân tử vong trong bệnh viện.

Chẩn đoán thuyên tắc phổi không khó, nhưng dễ bị bỏ sót vì triệu chứng nghèo nàn, ít điển hình. Thống kê cho thấy, chỉ khoảng 10% bệnh nhân thuyên tắc phổi được chẩn đoán sớm trong vòng 60 phút sau nhập viện. Những dấu hiệu gợi ý gồm: khó thở, hím tái, ho, khạc ra máu, đau ngực, ngất….Để xác định thuyên tắc phổi thường dựa vào một số các xét nghiệm không xâm lấn như chụp CT cắt lớp phổi, Chụp cộng hưởng từ MRI… Chụp động mạch phổi cản quang là tiêu chuẩn vàng để khẳng định chẩn đoán, với độ nhạy Se lên đến 90% và độ đặc hiệu Sp đến 95%.

Vì sao phẫu thuật có thể gây ra thuyên tắc phổi?

Năm 1858, Rudolph Virchow mô tả thuyên tắc phổi liên quan đến tam chứng Virchow, đó là: (1) Tình trạng tăng đông máu như trong ung thư, có thai, sau sanh, béo phì đột biến gen gây thiếu protein C, protein S hay yếu tố Leyden, (2) Sự ứ trệ tĩnh mạch, như ở những bệnh nhân bất động kéo dài, hay du lịch ngồi lâu gây ứ trệ tĩnh mạch và (3) Những tổn thương tĩnh mạch do chấn thương chi dưới hay vùng chậu. Càng nhiều yếu tố nguy cơ, càng tăng khả năng bị thuyên tắc phổi hay viêm tắc tĩnh mạch sâu.

Trong các phẫu thuật gãy xương hoặc chấn thương vùng chậu, đùi, gối, cẳng chân ngoài các cục máu đông, những cục mỡ, xác tế bào, khối mủ, bọt không khí…có thể lọt vào máu đi lên phổi gây thuyên tắc động mạch phổi.

Ba bước điều trị thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi là một cấp cứu, điều trị đòi hỏi phối hợp: nội khoa, thủ thuật và phẫu thuật lấy huyết khối. Việc điều trị thuyên tắc phổi nhằm 3 mục đích (1) chống khối máu đông bằng thuốc hay thủ thuật hút đông, (2) điều trị nguyên nhân gây thuyên tắc phổi và (3) phòng ngừa thuyên tắc phổi tiếp theo.

Thuốc tiêu huyết khối được chỉ định trong những trường hợp thuyên tắc phổi nặng. Trong một số tình huống, việc sử dụng thuốc tiêu huyết khối bị chống chỉ định. Do đó, sử dụng dụng cụ là ống thông để hút bỏ cục huyết khối trong lòng động mạch phổi nhằm cải thiện tái tưới máu phổi và trao đổi khí tại phổi đã được đề cao.

Dụng cụ hút khối máu đông
Dụng cụ hút khối máu đông

Tình hình thuyên tắc phổi

* Ở Hoa Kỳ, bệnh lý thuyên tắc tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi, có tỷ lệ 600.000 trường hợp mỗi năm. Nhưng nhờ hệ thống y tế tốt, nên tỷ lệ điều trị thành công khá lớn. Những ca bệnh điển hình có thể kể: (1) Năm 1974, sau khi từ chức vì Watergate, ông Richard Nixon được Tổng thống Gerald Ford ân xá vì huyết khối tĩnh mạch sâu tái phát đe dọa thuyên tắc phổi; (2) Năm 2010, sau khi đoạt cúp Wimbledon lần thứ tư, Serena Williams bị ly thủy tinh bể cắt vào chân và phải khâu 18 mũi ở New York, sau đó cô bị thuyên tắc phổi khi trên đường bay về Los Angeles, rất may nhờ được chữa trị cấp cứu “đặc biệt" cô đã qua hiểm nghèo.

* Ở Việt Nam, theo báo cáo của TS. BS Huỳnh Nghĩa, tại hội thảo “Bệnh lý huyết khối-thuyên tắc trong thai kỳ” do Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức, ngày 25/9/2013, tần suất thuyên tắc huyết khối khoảng 0,1% ở sản phụ dưới 35 tuổi và tăng lên 0,4% ở sản phụ trên 35 tuổi, và thời gian có nguy cơ cao nhất là những tuần sau sinh. Trong đó biến chứng thuyên tắc phổi chiếm tỷ lệ từ 13-24% và tử vong là 12-15%. Những ca thuyên tắc phổi điển hình được ghi nhân: (1) Ngày 17/9/2013, Sở Y tế Bình Dương gửi báo cáo lên Bộ Y tế, kết luận sản phụ Vũ Thị Thúy 28 tuổi, quê Ninh Bình, tử vong sau sinh tại Bệnh viện Phụ Sản Nhi Bình Dương đêm 7-9 vì bị Thuyên tắc phổi; (2) Ngày 19/3/2016, Hội đồng giám định y khoa Sở Y tế Đà Nẵng kết luận bệnh nhân Trần Thị Là 47 tuổi, Hòa Phong, Hòa Vang, tử vong tại bệnh viên Đà Nẵng sau khi phẫu thuật chữa trị gãy chân là do thuyên tắc mạch phổi sau phẫu thuật gãy xương; (3) Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Trị gửi Bộ Y tế, ngày 17/3/2017, sản phụ N.T.T, 34 tuổi, trú tại Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị tử vong tại Bệnh viện Quảng Trị do thuyên tắc phổi sau khi mổ bắt thai; (4) Ngày 25/8/2017, bệnh nhân Đ.C.T, sinh năm 1987, Vị Thanh, Hậu Giang, được chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị vì ho, khó thở và ngất. Sau thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân T bị thuyên tắc 2 nhánh động mạch phổi và cho điều trị thành công bằng thuốc tan sợi huyết.

Đôi điều bàn luận

Ngoài những bệnh nhân có rối loạn đông máu, ở người bình thường phải qua mổ đẻ, mổ gãy xương…một vài cục máu đông, mỡ, mô tế bào, bọt khí…cũng có thể lọt vào dòng máu và lên phổi gây ra thuyên tắc phổi trong thời gian hậu phẫu.

Dù nguyên nhân gây thuyên tắc phổi là gì đi nữa, dấu hiệu gợi ý đầu tiên là ho, khó thở, tím tái, đau ngực, khạc ra máu, mệt ngất…. Do đó, các bệnh nhân hậu phẫu, đặc biệt trong các ca mổ bắt thai, mổ gãy khớp háng, gối, chi dưới…, nếu đột ngột có các dấu hiệu hô hấp này cần cảnh giác khả năng thuyên tắc phổi xảy ra.

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI

Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM