Khó nhận biết trầm cảm ở trẻ em

(Dân trí) - Nhịp sống hiện đại tạo con người ngày càng có nhiều áp lực, áp lực trong công việc, trong học tập, trong đời sống gia đình…khiến chúng ta mệt mỏi, căng thẳng thậm chí dẫn đến trầm cảm. Trầm cảm không chỉ là bệnh của người lớn, thậm chí cả trẻ nhỏ có thể mắc phải căn bệnh này.

Khó nhận biết trầm cảm ở trẻ em - 1

Trầm cảm không chỉ là cảm giác buồn thoáng qua mà thường nỗi buồn dai dẳng (kéo dài trên 2 tuần) ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của trẻ. Các chuyên gia nghiên cứu về rối loạn hành vi và cảm xúc ở trẻ em cho biết trầm cảm ở trẻ nhỏ ít gặp nhưng tăng dần theo tuổi và có xu hướng ngày càng tăng. Có khoảng 2% trẻ em bị trầm cảm và 4-8% ở thanh thiếu niên.

Thật khó chẩn đoán trầm cảm ở trẻ nhỏ do bị “che lấp” bởi sự tăng động của trẻ, bởi sự thiếu tập trung, bởi những hành vi cảm xúc khác hoặc bởi những khó khăn trong học tập.

Trong suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ, giai đoạn ấu thơ thường gắn liền với niềm vui, tiếng cười của trẻ. Khi trẻ bị trầm cảm đã tạo ra nỗi lo lắng, cảm thấy bất lực để giải quyết vấn đề ở bậc bố mẹ. Không phải lúc nào cùng nhận ra được trầm cảm ở trẻ em vì những thay đổi tâm trạng là điều thường thấy ở lứa tuổi này.

Trẻ nhỏ bị trầm cảm có xu hướng ít giao tiếp với người lớn như ít thỏ thẻ hơn, ít giao tiếp bằng ánh mắt hơn. Ngoài yếu tố di truyền và sinh học, trầm cảm ở trẻ em phần lớn do hoàn cảnh, những tác động ngoại lai, có thể do cha mẹ ly dị, mất người thân, thay đổi chỗ ở hoặc những sang chấn tinh thần…

Theo Moussa Nabati-Nhà Phân Tâm học thì trầm cảm ở trẻ nhỏ đôi khi gây những hiểu nhầm, trẻ ít có những biểu cảm thay vào đó thường than phiền đau đầu, đau bụng, có vẻ mặt buồn, ngủ cả ngày, mất hứng thú trong chơi đùa… đây là những dấu hiệu cần cảnh báo trầm cảm ở trẻ nhỏ.

Khi bố mẹ có con bị trầm cảm, họ thường cảm thấy bất lực trước hoàn cảnh, đặc biệt khi mà chính họ vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý. Việc dùng thuốc chống trầm cảm ở trẻ em đang còn tranh cãi thì liệu pháp tâm lý thật sự có hiệu quả.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu cho thấy rằng các hoạt động thể chất ngoài trời tốt cho tâm sinh lý của trẻ, giảm đáng kể trạng thái trầm cảm. Hoạt động thể chất làm tăng tiết hoóc môn “hạnh phúc” như serotonin, dopamin, endorphin và giảm tiết cortisol-hormon stress, tuy vậy cần có thời gian nghỉ ngơi thư giãn…Ngoài ra tính hài hước không kém phần quan trọng (có những buổi cười đùa, tạo những buổi thi “nhăn nhó ”…) chính những điều này giúp cơ thể sản xuất hormon hạnh phúc, giúp thư giãn cơ. Hãy gần giũ với trẻ trong ngày, trong vài tuần và từ đó cải thiện tâm trạng của trẻ, tính hài hước trở về trên khuôn mặt trẻ thơ!

Trong giai đoạn đầu trầm cảm, trẻ cần sự hổ trợ động viên của gia đình nhằm giúp trẻ vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, tuy vậy trong những trường hợp nặng cần tham khảo, tư vấn Bác sĩ là điều cần thiết.

Bs Ái Thủy