Khi sữa bột đánh bật sữa mẹ...

Ở Việt Nam, chỉ có 12,4% bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và đây chính là nguyên nhân khiến nguy cơ còi cọc, thiếu cân "bám trụ" ở mức cao trong nhiều năm nữa.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng cao

 

Báo cáo "Tiến bộ cho trẻ em của UNICEF" mới đây cho biết: Năm 2005, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (SDD) ở Việt Nam  là 25,2%, khá cao so với khu vực. Trung Quốc: 8%, Malaysia:11%, Mông cổ: 13%.

 

Tại khoa Dinh dưỡng, BV Nhi TƯ, hầu như thời điểm nào tiếp nhận và điều trị những cháu bé 9 tháng chỉ nặng 4kg, 4 tháng nặng 3,6kg, 1 tháng nặng 2kg. Cùng với thể trạng suy dinh dưỡng, các cháu đều mắc thêm các chứng bệnh khác: Tiêu chảy, chướng bụng, hoại tử đường ruột, viêm phổi...  

 

Theo khảo sát của Viện dinh dưỡng, SDD chiều cao của trẻ em VN xuất hiện khá sớm. Nhóm 12 tháng tuổi đã có 29% trẻ em thấp còi.  SDD nhẹ cân bắt đầu tăng từ giai đoạn cho trẻ ăn bổ sung. 

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Yến - Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lý giải: "Không được chăm sóc đầy đủ trong thai kỳ, hoặc không được nuôi đúng cách là nguyên nhân của phần lớn ca bệnh. Bộ Y tế khuyến cáo cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bà mẹ nên nghỉ dưỡng thai 1 tháng trước sinh.

 

Với chế độ thai sản như hiện nay, 3 - 4 tháng nghỉ sinh, khuyến cáo trên là ngoài tầm tay. Các bà mẹ khi đã đi làm thì khó đảm bảo lượng sữa: Uống ít nước, ít cho bú hơn và thực tế là bà mẹ ở thành phố hay mất sữa hơn.

 

Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo cho trẻ phát triển tốt trong những tháng đầu đời, theo khuyến cáo của UNICEF.

 

Thế nhưng tại Việt Nam:

 

- Năm 2002: 12% bà mẹ cho con bú sữa chai ngay trong năm đầu, năm 1998 chỉ có 3%.

 

- Năm 2004, tỉ lệ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu chỉ có 18,9%, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu chỉ đạt 12,4%. Ngay cả trong 4 tháng đầu tiên cũng chỉ khoảng 30%".

Thiếu kiến thức nuôi con

 

TS Hoàng Thị Kim Thanh - Trung tâm truyền thông, giáo dục dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng cũng cho hay: "Không được bú mẹ đầy đủ, các cháu thường được cho ăn thêm, nhưng điều  đáng nói là các bà mẹ chưa biết cách sử dụng tốt thức ăn thay thế.

 

Bộ Y tế nhiều năm vẫn kiên trì với khẩu hiệu tuyên truyền: "Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu" và không  ban hành hướng dẫn nuôi con bằng thức ăn bổ sung. Khi không có tài liệu hướng dẫn quy củ, chính thức, những cháu bé được nuôi "bộ" vẫn theo kinh nghiệm là chính, thậm chí còn đang lạm dụng sữa hộp".

 

Việc quảng cáo sữa hộp làm tăng số lượng bà mẹ cho con bú chai trong năm đầu.  Tỉ lệ các cháu bú chai thay sữa mẹ ngay trong 6  - 12 tháng đầu có chiều hướng tăng lên. Năm 2004,  có 71,3% bà mẹ cho con bú đến 12 tháng tuổi, ít hơn  năm 2000 là 82%.

 

Trên thực tế, sau 3 - 4 tháng, tỉ lệ có cân nặng theo tuổi và chiều cao theo tuổi thấp tăng lên nhanh chóng, đến khoảng sau 1 năm tuổi thì mức SDD theo cả hai chỉ tiêu cân nặng và tuổi đều ở mức cao. Điều này cũng là một minh chứng cho thấy có những vấn đề về nuôi dưỡng trong giai đoạn nuôi trẻ bằng thức ăn bổ sung ngoài sữa mẹ.

 

UNICEF cũng nhận định: "Thiếu vi chất dinh dưỡng là một vấn đề nổi cộm ở VN. Khoảng 12% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu Vitamin A, 32% phụ nữ có thai bị thiếu sắt và 53,8% bà mẹ đang cho con bú bị thiếu vitamin A.

 

Cũng theo xếp hạng của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2002, chỉ Hà Nội và TPHCM có mức suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi thuộc hàng trung bình (10 - 19%), có 23 tỉnh/thành xếp vào mức cao, và còn 36 tỉnh/thành có tỉ lệ SDD rất cao. Đến năm 2004,  về SDD gầy còm, có 10 tỉnh/thành ở mức cao, 53 tỉnh/thành ở mức trung bình (20 - 29%) và 1 thành phố ở mức thấp. 

 

Nhận thức và hành động

 

Theo BS Yến, chưa có thời điểm nào, cơ thể con người có thể thể tăng 25cm, cân nặng gấp 3 lần lúc đầu như 1 - 2 năm. Giai đoạn này, hệ cơ và xương phát triển nhanh nhất, đến 2 tuổi hoàn thiện 75% bộ não của con người.

 

Do đó, ít nhất trẻ cần được chăm sóc tốt tối thiểu trong 1 năm đầu. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ở những nơi tỉ lệ SDD thấp, còi ở trẻ em cao thì chiều cao trung bình đạt được ở người trưởng thành thấp hơn".

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Yến cho biết thêm, sai lầm của các bà mẹ hiện nay là không uống nhiều nước trong thời gian cho con bú. Khi ít sữa, thay vì tăng cường cho trẻ bú thì họ lại cho ăn sữa hộp, không được kích thích tiết sữa, họ càng nhanh mất sữa và cai sữa sớm hơn. Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh, thích hợp nhất đối với trẻ.

 

Trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng.

 

Sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bởi chứa  những yếu tố quan trọng bảo vệ cơ thể mà không một thức ăn nào có thể thay thế được đó là: các globulin miễn dịch, chủ yếu là IgA có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn. Sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng.

 

Theo Hải Đăng

Vietnamnet

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ