Kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột ở phụ nữ

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Gut, sử dụng kháng sinh dài ngày ở tuổi trưởng thành làm tăng khả năng phát triển tiền thân của ung thư ruột. Nghiên cứu một lần nữa nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của vi khuẩn ruột.

Nghiên cứu mới chỉ ra mối liên quan giữa kháng sinh, hệ vi khuẩn ruột, và nguy cơ ung thư ruột.
Nghiên cứu mới chỉ ra mối liên quan giữa kháng sinh, hệ vi khuẩn ruột, và nguy cơ ung thư ruột.

Trong năm 2017, sẽ có khoảng 95.520 ca ung thư đại tràng mới và 39.910 ca ung thư trực tràng mới ở Mỹ. Ngoại trừ ung thư da, ung thư ruột là ung thư phổ biến thứ 3 tại nước này.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm thiếu hoạt động thể chất, ăn ít trái cây và rau, thừa cân hoặc béo phì và uống nhiều bia rượu. Một nghiên cứu mới được công bố có thể bổ sung thêm sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày vào danh sách này.

Mối liên quan giữa kháng sinh và một loạt các tình trạng bệnh đã được đưa ra ánh sáng trong những năm gần đây, bao gồm bệnh ruột kích thích, bệnh tiêu chảy mỡ, và thậm chí cả béo phì.

Liên quan giữa kháng sinh và bệnh được cho là do ảnh hưởng của thuốc lên hệ vi khuẩn trong ruột (vi khuẩn chí); do sự thay đổi số lượng và loại vi khuẩn có trong ruột, các quá trình trao đổi chất hoặc bệnh lý có thể được kích hoạt.

Kháng sinh và ung thư ruột

Một số nghiên cứu cũng đã gợi ý rằng việc sử dụng kháng sinh có thể liên quan đến ung thư ruột, nhưng các nghiên cứu trước đây chỉ bao gồm thời gian theo dõi tương đối ngắn.

Một nhóm các nhà nghiên cứu gần đây đã xem xét sự tương tác tiềm ẩn này một cách chi tiết hơn. Họ sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Sức khỏe Y tá, một dự án theo dõi 121.700 y tá tại Mỹ từ năm 1976. Những phụ nữ này ở độ tuổi từ 30 đến 55 khi nghiên cứu bắt đầu.

Cứ 2 năm một lần, các đối tượng nghiên cứu điền vào bảng câu hỏi chi tiết về các thông tin nhân khẩu học nói chung, các yếu tố lối sống (như hút thuốc lá và tập thể dục), tiền sử bệnh và phát triển bệnh. Mỗi 4 năm một lần, họ cũng hoàn thành một bảng câu hỏi về thói quen ăn uống.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã sử dụng số liệu từ 16.642 người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2004. Nhóm phụ nữ này đã cung cấp thông tin về sử dụng kháng sinh trong độ tuổi từ 20 đến 59 và đã trải qua ít nhất một lần soi đại tràng trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2010.

Trong thời gian nghiên cứu, đã có 1.195 trường hợp u tuyến được chẩn đoán trong nhóm. U tuyến, còn gọi là polyp, là những khối u lành tính xảy ra trước trong hầu hết các trường hợp ung thư ruột.

Kháng sinh làm tăng nguy cơ u tuyến

Khi phân tích số liệu, nhóm nghiên cứu đã thấy rằng sử dụng kháng sinh trong vòng 4 năm trước đó không liên quan đến ung thư ruột, "nhưng sử dụng dài ngày trong quá khứ thì có". Những người từng dùng kháng sinh trong 2 tháng hoặc lâu hơn ở độ tuổi 20 hoặc 30 dễ có chẩn đoán u tuyến hơn 36% so với những người không dùng kháng sinh dài ngày.

Mối liên quan vẫn có ý nghĩa bất kể u tuyến được phân loại là nguy cơ cao hay thấp đối với ung thư ruột. Tuy nhiên, mối liên quan là mạnh hơn đối với những khối u nằm ở đại tràng gần hơn là ở đại tràng xa.

Đại tràng gần là đoạn đầu tiên của đại tràng, nối với ruột non, và bao gồm manh tràng, đại tràng lên, đại tràng góc gan, đại tràng ngang và đại tràng góc lách. Đại tràng xa là phần nối liền với trực tràng và bao gồm đại tràng xuống và đại tràng sigma.

Dữ liệu cũng cho thấy những phụ nữ đã sử dụng một đợt kháng sinh trong ít nhất 2 tháng khi họ 40 và 50 tuổi dễ có chẩn đoán u tuyến vú hơn 69% so với những người không dùng kháng sinh dài ngày.

Mối liên quan này vẫn còn bất kể u tuyến được xem là nguy cơ cao hay thấp và có liên quan mạnh hơn với u tuyến ở đại tràng gần.

Tương tự, khi so sánh với những phụ nữ không dùng kháng sinh khi ở độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi với những người dùng kháng sinh hơn 15 ngày khi ở độ tuổi từ 20 đến 59, nguy cơ có chẩn đoán u tuyến tăng 73%.

Tất nhiên, sẽ cần có những nghiên cứu sâu hơn để khẳng định những phát hiện này.

Kháng sinh làm thay đổi đáng kể hệ vi khuẩn đường ruột

Mặc dù nghiên cứu có quy mô lớn, nó cũng có một số thiếu sót. Đây là nghiên cứu quan sát, nên khó rút ra kết luận chắc chắn về quan hệ nhân quả. Hơn nữa, một số u tuyến có thể đã có mặt trước khi kháng sinh được sử dụng. Cũng cần lưu ý rằng những vi khuẩn cần điều trị kháng sinh thường gây viêm ở ruột, bản thân điều này là một yếu tố nguy cơ đã biết đối với ung thư ruột.

Mặc dù cần tìm hiểu thêm, nhưng có một lý giải sinh học hợp lý cho mối liên quan tiềm tàng giữa kháng sinh và ung thư ruột. Kháng sinh làm thay đổi đáng kể hệ vi khuẩn ruột do làm giảm một số loại vi khuẩn và thay đổi cấu trúc tổng thể của vi khuẩn chí ở ruột.

Lời giải thích này được ủng hộ các nghiên cứu trước đây cho thấy mức độ thấp hơn của một số vi khuẩn và mức độ cao hơn của một số vi khuẩn khác ở bệnh nhân ung thư ruột.

Các tác giả kết luận: "Những phát hiện, nếu được xác nhận bởi các nghiên cứu khác, gợi ý cầm hạn chế sử dụng kháng sinh và các nguồn viêm chi phổi sự hình thành khối u." Vì việc sử dụng kháng sinh ở Mỹ đang gia tăng, nên lĩnh vực nghiên cứu này càng trở nên quan trọng. Hậu quả tiêu cực của những thuốc này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Cẩm Tú

Theo MNT