Khắc phục tác dụng phụ khi truyền hóa chất

Để giảm các tác dụng phụ của hóa chất, bệnh nhân cần theo dõi và báo cho bác sĩ, xử lý ý tế và chế độ ăn, phương pháp phòng ngừa sẽ giúp ngăn ngừa và giảm tác hại của hóa chất.

Hóa chất diệt tế bào ung thư thường nhắm vào các tế bào phân chia nhanh. Tuy vậy, các tế bào của cơ thể người như: tế bào tủy xương, tế bào ở miệng, niêm mạc tiêu hóa, móng tay, tóc... cũng phân chia nhanh nên chịu nhiều ảnh hưởng của hóa chất.

Các tế bào khỏe mạnh có thể tự phục hồi sau khi chịu tác dụng của hóa chất. Các tác dụng phụ phụ thuộc vào loại hóa chất, liều lượng thuốc, thời gian dùng thuốc và thể trạng của bệnh nhân.

Khắc phục tác dụng phụ khi truyền hóa chất - 1

Các tác dụng phụ đa số sẽ mất sau khi kết thúc điều trị. Tuy nhiên một số tác dụng phụ sẽ tồn tại vài tháng, vài năm, thậm chí cả đời. Các tác dụng phụ này sẽ được bác sĩ hạn chế bằng cách sử dụng thuốc. Điều quan trọng là bệnh nhân phát hiện được các tác dụng phụ vào thông báo cho bác sĩ điều trị.

Trước khi hóa trị liệu, bác sĩ sẽ thông báo cho bệnh nhân các tác dụng phụ có thể gặp phải, cách theo dõi và khắc phục. Các tác dụng phụ hay gặp là:

Thiếu máu: 

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu máu là giảm huyết sắc tố (Hgb). Hgb bình thường của nữ từ 14 đến 16, của nam từ 14 đến 18.

Mức độ thiếu máu:

- Độ 1 (nhẹ): Hgb từ 100 g/l đến giới hạn dưới của bình thường;

- Độ 2 (trung bình): Hgb từ 80 đến 99 g/l;  

- Độ 3 (nặng): Hgb từ 65 à 79 g/l;

- Độ 4 (nguy hiểm đến tính mạng): Hgb < 6,5 g/l. Biểu hiện: Người bệnh mệt mỏi, chóng mặt, da nhợt

Cơ chế hóa trị gây thiếu máu: ức chế tủy; ức chế các yếu tố tăng trưởng dòng hồng cầu như Erythropoietin; phá hủy tế bào máu thông qua trung gian miễn dịch...

Khi có biểu hiện thiếu máu, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để can thiệp y khoa: truyền máu, thuốc tăng hồng cầu. Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn giàu chất sắt (thịt bò nạc, trứng, gan, sò, hàu...; rau: cải bò xôi, cà chua, củ cải...) và thực phẩm giàu vitamin B12 (gan, nghêu, cá hồi, ngũ cốc tăng cường vitamin B12…).

Nhiễm trùng

Hóa chất làm giảm tế bào bạch cầu, suy giảm miễn dịch...nhiễm trùng rất dễ xảy ra. Trường hợp nặng có thể sốc nhiễm khuẩn nguy hiểm đến tính mạng. Một số cơ quan hay bị nhiễm trùng như họng, phổi, đường tiết niệu…

Triệu chứng: Ho, khó thở; đau họng; sốt; tiểu buốt; đỏ, sưng tấy ở da..

Khi gặp phải các triệu chứng này người bệnh cần gọi ngay cho bác sĩ điều trị để trợ giúp. Thuốc kích thích tăng bạch cầu, kháng sinh... sẽ được sử dụng. 

Để đề phòng nhiễm trùng, người bệnh cần: tránh nơi đông người trong mùa lạnh hoặc mùa cúm. Nên tiêm phòng cúm trước khi hóa trị liệu 2 tuần; vệ sinh cá nhân sạch sẽ: rửa tay thường xuyên, tắm hàng ngày; súc miệng với nước muối ấm hằng ngày.

Đánh răng bằng bàn chải mềm 2 lần/ ngày tránh làm tổn thương răng lợi; ăn thức ăn nấu chín. Tránh những nơi ẩm thấp, nhiều bụi, những nơi lâu không được vệ sinh để tránh nhiễm các bào tử nấm..

Tiêu chảy

Đây là tình trạng đi ngoài phân lỏng > 3 lần/ngày. Nếu đi ngoài nhiều, đi ngoài không cầm > 48h cần gọi cho bác sĩ. Thuốc điều trị rất hiệu quả như loperamid...

Ngoài ra, khi bị tiêu chảy người bệnh cần uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng ngay khi tiêu chảy bắt đầu. 2,3 ngày sau thêm thực phẩm rắn ít chất xơ. Uống ít nhất 1 cốc nước sau mỗi lần đi ngoài, tốt nhất là oresol...; ăn nhiều bữa nhỏ, thường xuyên. Thay vì 3 bữa ăn chính, hãy ăn số lượng nhỏ hơn trong suốt cả ngày để dễ tiêu.

Chọn thực phẩm có thể giúp tiêu chảy: Bổ sung kali bằng cách ăn chuối, nước ép trái cây. Thực phẩm nhiều pectin như táo, sữa chua..; Ăn thức nhiều protein như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, trứng nấu chín.

Tránh thực phẩm làm tăng tiêu chảy như: Cà phê, rượu, nước giải khát có ga, sữa và sản phẩm từ sữa, thực phẩm nhiều chất xơ, thức ăn nhiều chất béo..

Nôn, buồn nôn

Nôn, buồn nôn là tác dụng hay gặp nhất của hóa trị. Bác sĩ có thể khắc phục bằng dùng thuốc chống nôn, truyền dịch.

Với người bệnh cần khắc phục bằng cách: chia nhỏ bữa ăn để không cảm giác no quá nhanh; ăn thực phẩm khô ít gây ảnh hưởng đến dạ dày như bánh quy giòn, bánh mỳ nướng, ngũ cốc...;  ăn ít thực phẩm có dầu mỡ; những sản phẩm từ gừng như trà gừng...có tác dụng giảm buồn nôn; ngồi dậy sau khi ăn; súc miệng trước và sau khi ăn để tránh mùi kích thích buồn nôn; xin bác sĩ kê đơn thuốc chống nôn dạng uống khi về nhà…

BS Trịnh Thế Cường, Bệnh viện E
Theo Khoa học và đời sống