Hơn 70% bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh giai đoạn muộn

Mỗi năm ở Việt Nam có 164.671 ca mắc mới ung thư, hơn 300.000 người đang sống chung với căn bệnh này. Tuy nhiên, có tới hơn 70% bệnh nhân ung thư ở nước ta phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Bởi vậy, bên cạnh việc phát triển các kỹ thuật ung thư thì tầm soát ung thư sớm cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành y tế đang hướng tới...

Loại bỏ khối u thành công vì phát hiện sớm

Chị Võ Thị Thanh Nhung (42 tuổi, Hà Nội) chưa bao giờ nghĩ căn bệnh ung thư mà ai cũng sợ hãi lại vận vào mình. 5 năm trước, trong một lần khám sức khoẻ định kỳ của cơ quan, các bác sĩ cho biết trong ngực chị có u và khuyên chị nên đi khám chuyên khoa ung thư. Kết quả làm chị gần như sụp đổ, nhưng nghĩ đến cậu con trai 3 tuổi, chị quyết tâm không cho phép bản thân được gục ngã.

Hơn 70% bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh giai đoạn muộn - 1

Rất may cho chị Nhung vì được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Các bác sĩ Bệnh viện K đã tư vấn cho chị phương án điều trị ung thư bảo tồn. Chị đã trải qua 8 đợt truyền hóa chất và 35 lần xạ trị. “Dù đau đớn vô cùng, nhưng bản thân tôi luôn lạc quan. Quãng thời gian ấy quả thật khó khăn, bởi gia đình nội ngoại và chồng tôi vẫn công tác ở Bắc Kạn. Và, điều tuyệt vời nhất đó là sau hơn 1 năm điều trị đau đớn, tôi vui mừng khôn xiết khi được các bác sĩ thông báo đã loại bỏ khối u thành công”- chị Nhung ngậm ngùi kể lại.

Ngược lại với trường hợp của chị Nhung, bà Đ.T.N.T. (85 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) đã bỏ lỡ cơ hội vàng trong điều trị ung thư. Cách đây khoảng 2 năm, bà T bắt đầu thấy bụng đau âm ỉ, đau tăng dần, nên tháng 4.2019, bà đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội khám và được chẩn đoán mắc ung thư nội mạc tử cung giai đoạn 1. Bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị là phẫu thuật.

Tuy nhiên, nghĩ rằng mình tuổi đã cao, bà T từ chối phẫu thuật, chấp nhận sống chung với thuốc giảm đau. Thế nhưng, tình trạng ngày một xấu đi, những cơn đau quặn thắt dữ dội ngày càng nhiều. Không chịu nổi đau đớn, bà T mới quay lại bệnh viện để điều trị và phải đánh giá lại toàn bộ tình trạng bệnh. Theo kết quả chụp cộng hưởng từ, khối u ung thư có kích thước 11cm, to hơn 30% so với cách đây 6 tháng. Nếu không được phẫu thuật sớm, bệnh nhân có nguy cơ băng huyết, tử cung bị u xâm lấn gây thủng, chảy máu ổ bụng dẫn đến tử vong.

Nhiều bệnh nhân đã bỏ lỡ điều trị ở giai đoạn sớm

ThS-BS Đặng Bá Hiệp - Phó Trưởng khoa Ngoại Vú - Phụ khoa, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho biết, giống như bệnh nhân T, nhiều bệnh nhân khác đã bỏ lỡ điều trị ở giai đoạn sớm, bệnh tiến triển xấu mới đến viện khiến việc phẫu thuật, điều trị trở nên phức tạp hơn. Đối với bệnh nhân T, do u ngày càng phát triển trong khi thể trạng sức khỏe lại suy yếu dần, nguy cơ biến chứng vì thế cũng cao hơn. Chẩn đoán hình ảnh cho thấy u vẫn khu trú trong tử cung, chưa xâm lấn ra ngoài nên còn khả năng phẫu thuật. May mắn thay, sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh, chất lượng sống được cải thiện rõ rệt, hết đau bụng, không còn ra dịch, có thể đi lại, vận động hoàn toàn bình thường.

Trao đổi về tình trạng bệnh nhân ung thư ở Việt Nam, GS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, theo thống kê của ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL), mỗi năm ở nước ta có 164.671 ca mắc mới ung thư, hơn 300.000 người đang sống chung với căn bệnh này. Thực trạng đáng lo ngại hơn là có tới hơn 70% bệnh nhân ung thư ở nước ta phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Càng phát hiện muộn thì việc điều trị càng phức tạp, tốn kém và hiệu quả càng thấp. Ông Thuấn đơn cử như bệnh ung thư phổi, ung thư gan có tới 80% - 90% số bệnh nhân đến khám, điều trị ở giai đoạn muộn.

“Ung thư là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, tỉ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp. Chúng ta phải tăng cường các biện pháp chẩn đoán sớm, càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và đơn giản. Trước hết người dân cần phải có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Việc tầm soát và phát hiện ung thư sớm đặc biệt với người ở độ tuổi 40 trở lên có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiều bệnh nhân ung thư nếu phát hiện ở giai đoạn đầu thì có thể chữa khỏi hoàn toàn, đến giai đoạn muộn thì thường chỉ có thể kéo dài cuộc sống, giảm các triệu chứng đau đớn.

Dấu hiệu của bệnh ung thư

Theo Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, những thay đổi của cơ thể có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư như thay đổi tính chất phân hoặc thói quen đi tiểu; Có vết loét không lành; Chảy máu bất thường; Xuất hiện vùng mô dày lên dưới da, có khối u ở vú hoặc các bộ phận khác của cơ thể; Thay đổi da, bao gồm mụn cóc hoặc nốt ruồi bị thay đổi màu sắc hoặc kích thước; Khó tiêu hoặc khó nuốt; Ho khàn tiếng; Giảm sút cân không rõ lý do.

Chuyên gia của Bệnh viện K khuyến cáo, người dân hãy tự bảo vệ mình bằng cách không hút thuốc; Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, sử dụng kem chống nắng thường xuyên; Không uống rượu bia, đồ uống có cồn; duy trì cân nặng lý tưởng, có thể dựa trên chỉ số khối cơ thể BMI để xác định cân nặng phù hợp; Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn các loại thịt chế biến sẵn. Nên bổ sung hoa quả và các loại rau xanh mỗi ngày; Luyện tập thể dục đều đặn.

Theo Laodong.vn