Hơn 600 cơ sở ở Thanh Hóa vi phạm các điều kiện về an toàn thực phẩm

(Dân trí) - Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019, các đoàn kiểm tra của tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 604 cơ sở vi phạm các điều kiện về ATTP.

Theo báo cáo số 86/BC-BCĐ, ngày 29/5 của Ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) Thanh Hóa, trong dịp Tháng hành động vì ATTP năm 2019, địa phương này đã thành lập 667 đoàn kiểm tra, trong đó có 3 đoàn liên ngành cấp tỉnh, 32 đoàn cấp huyện và 632 đoàn cấp xã.

Hơn 600 cơ sở ở Thanh Hóa vi phạm các điều kiện về an toàn thực phẩm - 1
Diễu hành tuyên truyền, cổ động "Tháng hành động vì ATTP” năm 2019 tại thành phố Sầm Sơn.

Các đoàn đã tiến hành kiểm tra 8.624 cơ sở thực phẩm. Qua kiểm tra phát hiện 604 cơ sở vi phạm các điều kiện về ATTP chiếm 7% (tỷ lệ cơ sở vi phạm giảm 1/3 lần so với Tháng hành động năm 2018).

Trong đó, phạt cảnh cáo 1 cơ sở; phạt tiền 154 cơ sở với số tiền phạt hơn 337 triệu đồng; nhắc nhở 449 cơ sở.

Cùng với đó, các đoàn đã tiến hành tiêu hủy 23 loại sản phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các nội dung vi phạm được phát hiện chủ yếu là: Điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ không đạt yêu cầu; bảo quản thực phẩm, thực hành ATTP không đúng quy định; kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ; không kiểm thực 3 bước; lưu mẫu thức ăn không đúng quy định...

Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện và đoàn kiểm tra, giám sát cấp xã đã xét nghiệm nhanh 980 mẫu thực phẩm để phát hiện các chỉ tiêu: Methanol trong rượu; hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; độ ôi khét trong dầu mỡ; hàn the trong giò; phooc môn trong bún, bánh phở; tinh bột, dầu mỡ trong bát đĩa... kết quả có 950 mẫu đạt, chiếm 97%.

Hơn 600 cơ sở ở Thanh Hóa vi phạm các điều kiện về an toàn thực phẩm - 2
Trong Tháng hành động, các đoàn kiểm tra của tỉnh Thanh Hóa cũng như các địa phương đã tiến hành kiểm tra 8.624 cơ sở thực phẩm.

Theo khẳng định của Ban chỉ đạo về quản lý VSATTP Thanh Hóa, trong dịp Tháng hành động năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát được triển khai quyết liệt, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống có hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về VSATTP ở một số địa phương chưa thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, chưa phong phú.

Trình độ, năng lực quản lý về ATTP của cán bộ cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; phương tiện, thiết bị kiểm nghiệm ATTP ở cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm đầu tư, gây khó khăn trong việc lấy mẫu, kiểm nghiệm mẫu phục vụ hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trình độ nhận thức, hiểu biết các quy định về ATTP của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm còn hạn chế.

Thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang diễn biến khó lường, phức tạp trong khi quy định thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần/năm gây khó khăn trong việc kiểm soát ATTP trên địa bàn.

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ở tuyến xã chưa quyết liệt, thường không áp dụng các biện pháp xử lý triệt để, chỉ nhắc nhở.

Tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Thanh Hóa thành lập Ban quản lý ATTP tỉnh, nhằm tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả...

Hơn 600 cơ sở ở Thanh Hóa vi phạm các điều kiện về an toàn thực phẩm - 3
Ngày 26/5 vừa qua, hơn 60 người được đưa đến cơ sở y tế sơ cấp cứu dấu hiệu ngộ độc thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ công tác đảm bảo ATTP cho các địa phương.

Trước đó, chiều ngày 23/4, tại Trường THPT Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn, Ban chỉ đạo về quản lý VSATTP Thanh Hóa đã tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Tháng hành động diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5/2019.

Mới đây nhất, ngày 26/5, tại Khu du lịch biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến 67 du khách phải đến cơ sở y tế để sơ cấp cứu trong tình trạng bị rối loạn tiêu hóa...

Các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cũng đã trực tiếp về địa phương để chỉ đạo công tác cứu chữa nạn nhân; đồng thời kiểm tra tình hình, lấy mẫu để tìm nguyên nhân sự việc.

Đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa công bố kết quả xét nghiệm liên quan đến sự việc trên.

Duy Tuyên