Hơn 30 con giòi làm tổ trong họng cụ ông ở Quảng Ninh

(Dân trí) - Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng tại vị trí đặt canuyn mở khí quản. Các bác sĩ đã rất bất ngờ khi phát hiện cả giòi chỗ vết thương hở.

Cụ ông 78 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh có tiền sử điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Do khó thở vì bị hẹp khí quản, cụ được bác sĩ mở khí quản, đặt canuyn và điều trị tại nhà. 

Người nhà đã được hướng dẫn cách vệ sinh, làm sạch canuyn. Tuy nhiên do chủ quan, sợ gây đau cho người bệnh mà gia đình chỉ vệ sinh sơ qua bên ngoài. Đến khi vùng chân canuyn xuất hiện chảy dịch vàng hôi, gia đình mới vội vàng đưa cụ ông tới viện.

Hơn 30 con giòi làm tổ trong họng cụ ông ở Quảng Ninh - 1
Bác sĩ gắp hơn 30 con giòi từ vết thương của bệnh nhân.

BSCKI. Nguyễn Thanh Huyền, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết khi tiến hành xử trí làm sạch vết thương, thay canuyn cho người bệnh, các bác sĩ nhận thấy tình trạng nhiễm trùng khá nặng và đã có giòi làm tổ. Họ đã gắp được hơn 30 con giòi. 

Cụ ông đang được theo dõi và điều trị tại khoa Tai Mũi Họng.

Bác sĩ khuyến cáo người nhà khi chăm sóc bệnh nhân có vết mở khí quản đặt canuyn cần lưu ý:

- Thay băng, rửa vết mở khí quản 1 lần mỗi ngày

- Quan sát tình trạng vùng da xung quanh mở khí quản khi thay băng

- Kiểm tra màu sắc, tính chất đờm nhớt trong ống mở khí quản mỗi khi thay băng

- Che lỗ mở khí quản bằng 1 miếng gạc ẩm để tránh bụi bẩn và dị vật rơi vào đường thở.

Người bệnh nên tái khám ngay khi có một trong các triệu chứng như sốt cao, khó thở, ho nhiều, đờm nhớt tăng nhiều hoặc lẫn máu mủ, tụt hoặc rơi ống mở khí quản, vùng da xung quanh mở khí quản sưng, nóng, đỏ, đau, chảy máu, chảy mủ... Đồng thời tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Tại Việt Nam, 4,2% dân số trên 40 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chủ yếu ở nam giới. Bệnh đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi bởi các phần tử và khí độc hại. 

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là khói thuốc lá. Có một số yếu tố khác có thể gây ra hoặc làm cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trở nên tồi tệ hơn, bao gồm phơi nhiễm môi trường và yếu tố di truyền.

Tiếp xúc nhiều với bụi tại nơi làm việc, hóa chất và ô nhiễm không khí trong nhà hoặc ngoài trời (bao gồm khói củi, khói bếp than tổ ong...) có thể góp phần gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường dễ gây nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác như khó thở, ho mạn tính hoặc tăng tiết đờm. Tuy không thể chữa khỏi hẳn nhưng bệnh có thể phòng ngừa bằng cách điều trị dự phòng. Người bệnh cần đi tái khám, dùng thuốc định kỳ theo đơn của bác sĩ. 

Việc phát hiện và điều trị sớm giúp làm giảm diễn biến nặng nề của bệnh, giảm nguy cơ tử vong. Song thực tế, phần lớn người bệnh đi khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, tắc nghẽn đường thở tiến triển nặng. Đặc biệt nhiều người không tuân thủ điều trị, dùng sai kỹ thuật bình xịt, hít dẫn đến hiệu quả chữa bệnh thấp. 

Nam Phương