Hơn 1.400 trường hợp ngộ độc, đánh nhau do có hơi men​

(Dân trí) - Con số bệnh nhân đánh nhau, ngộ độc liên quan đến bia rượu trong dịp Tết vừa qua là một minh chứng cho tác hại khôn lường loại đồ uống gây nghiện này.

Hơn 1.400 trường hợp ngộ độc, đánh nhau do có hơi men​ - 1

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết vừa qua, có đến 5.675 trường hợp ẩu đả, đánh nhau phải nhập viện, 28 trường hợp tử vong. So với 7 ngày Tết Bính Thân 2016 là 4.157 trường hợp đánh nhau ( 26 ca tử vong) thì con số bệnh nhân mâu thuẫn dẫn đến đụng tay đụng chân tăng mạnh trong năm nay. Đáng nói, đã xác định có 619 trường hợp ẩu đả có nhân nguyên nhân do rượu bia.

Tương tự, trong 3.199 trường hợp ngộ độc thức ăn đến viện khám thì cũng có đến 808 ca được xác định nguyên nhân do rượu bia.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, có nhiều bằng chứng cho thấy rượu bia làm gia tăng bạo lực, gia tăng bạo lực, tai nạn giao thông, chấn thương...

Đáng lo ngại là khi uống rượu, chất cồn là chất hướng thần gây nghiện làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng, gây nghiện rượu.

Lệ thuộc rượu bia sẽ gây ra loạn thần do rượu và dẫn đến mắc các bệnh mạn tính cũng như gây ra các hậu quả trước mắt và gánh nặng lâu dài cho xã hội.

Theo TS Phu, không có một ngưỡng an toàn cụ thể với rượu bia bởi tác hại của chất cồn này đến cơ thể khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người.

Thậm chí một số cá nhân dễ bị tổn thương còn bị tăng tính nhạy cảm đối với tính độc, kích thích tâm thần và gây nghiện của rượu bia. Nói một cách khác, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.

Hồng Hải