Hội chữ thập đỏ Nghệ An thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị sập giàn giáo Formosa

(Dân trí) - Được tin vụ sập giàn giáo ở Khu kinh tế Formosa (Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã gây thiệt hại về người của các tỉnh miền Trung, trong đó có người của Nghệ An.

Hội chữ thập đỏ Nghệ An thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị sập giàn giáo Formosa
Đại diện Hội chữ thập đỏ Nghệ An thăm tặng quà cho các gia đình nạn nhân trong vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa.

Sáng ngày 27/3/2015, lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An và Hội Chữ thập đỏ huyện Diễn Châu đã trực tiếp đến thắp hương chia buồn, động viên và trao 4 triệu đồng cho gia đình nạn nhân Phạm Văn Hùng (sinh 1986, xóm 6, xã Diễn Yên), gia đình Lâm Hữu Chinh (sinh 1987, xóm 7, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu). Hội Chữ thập đỏ huyện Diễn Châu hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 1 triệu đồng.

Trước đó, ngày 26/3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An đã có mặt tại Hà Tĩnh trao 10 triệu đồng cho các nạn nhân bị thương đang điều trị tại bệnh viện Hà Tĩnh và Kỳ Anh, động viên các gia đình vơi bớt đau thương, ổn định cuộc sống. Hội đang tiếp tục nhận thông tin và động viên chia sẻ đến gia đình các nạn nhân xấu số.

Vụ sập giàn giáo tại Formosa làm 13 người chết, 28 người bị thương.
Vụ sập giàn giáo tại Formosa làm 13 người chết, 28 người bị thương.

Như Dân trí đã đưa tin, vào khoảng 20h25' tối 25/3 khi công nhân nhà thầu Tập đoàn Sam Sung (Hàn Quốc) đang lắp ráp giàn giáo đổ trụ bê tông có chiều cao 30m và chiều rộng 20m thì xảy ra sập giàn giáo.  Vụ việc đã làm chết ít nhất 13 người, 28 người bị thương được đưa đến bệnh viện và hàng chục công nhân khác đang mắc kẹt, vùi lấp dưới đất, cát.

Cho đến thời điểm hiện nay (27/3), hầu hết những nạn nhân bị thương đã qua cơn nguy kịch, duy nhất một nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Hà Nội.

Ngày đại tang tại công trường Formosa, mảnh đất Nghệ An có 4 người tử vong. 

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm về gia đình nạn nhân Lâm Hữu Chính (SN 1978, ở xóm 7, xã Diễn Thành (Diễn Châu, Nghệ An) một trong 13 công nhân không may tử vong trong vụ sập giàn giáo kinh hoàng nói trên. Gương mặt của từng người dân nơi đây vẫn còn lăn dài những giọt nước mắt. Từ căn nhà nhỏ cũ nát, tiếng khóc văng vẳng không ngớt như muốn xé lòng người.

Anh Lâm Hữu Chiến (em trai nạn nhân Chính - PV) cố kìm những giọt nước mắt kể lại giây phút gia đình mình nhận hung tin: “Khi đó tôi thấy một cuộc điện thoại của một người bạn đang làm việc với anh Chính gọi về. Họ nói là anh ấy đã gặp nạn nhưng tôi không tin đó là sự thật. Còn trách rằng họ đùa ác ý. Nào ngờ khi hỏi đi hỏi lại họ vẫn xác định đó là sự thật, tôi như chết đứng người”.

Người thân gia đình nạn nhân Lâm Hữu Chính khóc trong nỗi đau quá lớn.
Người thân gia đình nạn nhân Lâm Hữu Chính khóc trong nỗi đau quá lớn.

Biết tin con mình đã tử vong trong vụ tai nạn thương tâm, bà Cao Thị Ba (75 tuổi) ngất lịm đi. Khi tỉnh lại người mẹ già chỉ biết gào khóc trong đau đớn. Đêm ấy mọi người trong gia đình thức trắng, một số người thân lập tức lên đường vượt hơn 200km vào tận hiện trường để nhận thi thể.

Được biết anh Chính là trụ cột của cả gia đình, số tiền lương làm việc tại đây anh chi tiêu rất tằn tiện, dành dụm gửi về phụng dưỡng mẹ già nuôi hai đứa con thơ. Con gái lớn của anh mới 6 tuổi, còn con nhỏ chưa tròn 3 tuổi nên chưa thể để cảm nhận hết nỗi đau quá lớn mà mình phải gánh chịu.

Chị Chu Thị Kiều (SN 1979) vợ nạn nhân Chính khóc thảm thiết bên quan tài chồng. Hai đứa trẻ thơ vô tội cũng lết theo gọi tên cha. Những người có mặt không thể cầm nổi nước mắt.

Bởi mới đây khi anh Chính được nhận vào làm công nhân tại Formosa với mức lương khá cao, nhiều người còn vui mừng thay cho gia đình anh. Và trước lúc gặp tai nạn khoảng 1 tiếng anh Chính còn gọi điện thoại về cho vợ con, kêu tên các con, nghe chúng nói cười.

Tại gia đình nạn nhân Phạm Xuân Hùng (SN 1986) ở xóm 6, xã Diễn Yên chúng tôi cũng không thể cầm lòng trước hình ảnh người vợ trẻ ôm con gào khóc bên chiếc quan tài lạnh lẽo của chồng, của cha mình.

Ông Phạm Văn Tân (SN 1951) bố của anh Hùng khóc nghẹn: “Nó hiền lắm, lúc nào gọi điện về cũng nói sẽ cố gắng tăng ca rồi lo cho cuộc sống gia đình. Nào ngờ, vậy là con tôi chết thật rồi …”.

Bên chiếc bàn thờ lập vội của chồng, chị Hứa Thị Hạnh (SN 1990) ôm đứa con thơ mới tròn 18 tháng tuổi gào khóc thảm thiết. Người vợ trẻ đau đớn không nói lên lời, nước mắt của chị chảy xuống khuôn mặt của đứa con thơ, chị ghì chặt nó vào lòng.

Bên cạnh mẹ cháu Phạm Tiến Đạt (5 tuổi) con đầu của anh Hùng không biết tai họa đang đến với gia đình mình. Nó cũng sà vào lòng mẹ ôm lấy em rồi chỉ lên bàn thờ của bố. “Bố về rồi mà mẹ!” Câu nói thơ ngây của nó khiến mẹ chúng càng đau đớn hơn nhiều lần.

Nguyễn Duy