Hoại tử, chảy dịch mủ sau khi tự nặn vết nhọt ở lưng

(Dân trí) - Sau một tuần xuất hiện 1 vết nhọt trên lưng, bệnh nhân nặn không ra mủ mà chỉ chảy dịch và sốt, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vai trái bắt đầu hoại tử vùng da lan rộng, chảy dịch mủ đau tức không đỡ.

Cách đây 10 ngày, bệnh nhân T.G.L (sinh năm 1946 trú tại Long Biên, Hà Nội) đến BV Đa khoa Đức Giang khám trong viện trong tình trạng sưng đau vùng vai trái, Lúc này, vùng vai trái của bệnh nhân cũng bắt đầu hoại tử lan rộng, chảy dịch mủ.

Bệnh nhân T.G.L cho biết, vết nhọt sau lưng chỉ mới mọc 1 tuần trước đó. Lúc đầu vết nhọt bình thường nhưng ngày càng to và đau nhức hơn. Bệnh nhân cũng đã nặn nhọt nhưng không thấy ra mủ, chỉ ra dịch rồi sốt liên tục 2 – 3 ngày mới vào viện khám.

Vết loét, hoại tử trên lưng bệnh nhân xuất phát chỉ từ một vết nhọt rất nhỏ. Ảnh: BS cung cấp.
Vết loét, hoại tử trên lưng bệnh nhân xuất phát chỉ từ một vết nhọt rất nhỏ. Ảnh: BS cung cấp.

Tại BV Đa khoa Đức Giang, bệnh nhân được khám và tiến hành xét nghiệm, lúc này ông mới biết mình bị tiểu đường tuýp 2.

Ông L. cho biết, bản thân ông không hay biết mình bị tiểu đường. Ông khỏe mạnh, ăn uống tốt, không bia rượu. Thời gian gần đây, đi nghỉ dưỡng mỗi bữa ông có dùng thêm một chai bia trong bữa ăn hằng ngày và cho đó là tốt cho sức khỏe.

BS Mai Thái Hà, Khoa Nội tổng hợp (BV Đa khoa Đức Giang) cho biết, chỉ số đường huyết ở người bình thường là 6,5% nhưng ông L. là 13,8%. Bác sĩ đánh giá vết nhọt hoại tử liên quan đến bệnh tiểu đường của bệnh nhân.

Vì thế, bệnh nhân sẽ được điều trị ổn định đường huyết sau đó sẽ được chuyển lên khoa Thẩm mỹ để điều trị vùng da bị hoại tử.

Bác sĩ Đồng Thanh Thiện, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho biết ngay sau khi bệnh nhân ổn định về đường huyết, các bác sĩ sẽ dùng phương pháp hút áp lực âm cho bệnh nhân để hút sạch dịch, vi khuẩn nhằm tạo môi trường vô khuẩn để chỗ hoại tử mau lành sau 5 ngày sẽ thay một lần. Kèm theo đó sẽ kết hợp với chế độ ăn dinh dưỡng sau khi đã hội chẩn với khoa dinh dưỡng về chế độ ăn cho người tiểu đường và dùng kháng sinh phù hợp với kháng sinh đồ cho bệnh nhân. Với trường hợp không tiến triển chúng tôi sẽ tiến hành ghép da cho bệnh nhân.”

Đái tháo đường là bệnh lý chuyển hóa, đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu mạn tính , kèm theo các rối loạn chuyển hóa glucid, lipid, và protid. Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt sẽ làm tăng nguy cơ bị các biến chứng cấp và mạn tính. Đái tháo đường tuýp 2 là một rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose huyết do thiếu hụt insulin tuyệt đối hoặc tương đối xảy ra trên nền đề kháng insulin.

Triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể phát triển rất chậm. Trong thực tế, có thể có bệnh tiểu đường tuýp 2 trong nhiều năm và thậm chí không biết nó. Chỉ đến khi bệnh nhân đến viện khám vì bệnh lý khác mới tình cờ được phát hiện.

Vì thế, nếu thấy có các biểu hiện hay khát nước, đi tiểu thường xuyên; Nhanh đói hơn bình thường; Sút cân; Mệt mỏi; Mờ mắt; Chậm lành vết loét hoặc nhiễm trùng thường xuyên; Xuất hiện vùng da tối… bệnh nhân nên được đi khám để được chẩn đoán, xác định bệnh tiểu đường, điều trị kiểm soát đường huyết phòng các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường.

Hồng Hải