Hiến máu bắt buộc chỉ là giả định!

(Dân trí) - Chia sẻ với báo chí trước thông tin Bộ Y tế đề xuất hiến máu bắt buộc mỗi năm một lần, ông Nguyễn Huy Quang khẳng định trong dự thảo Bộ Y tế chưa đề cập gì đến đề xuất công dân bắt buộc hiến máu năm 1 lần. Đây chỉ là giả định để cho thấy hiến máu tình nguyện là tối ưu.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 9/1, dù phủ nhận việc Bộ Y tế đề xuất hiến máu bắt buộc mỗi năm một lần, nhưng ông Quang thừa nhận: “Cách viết của chúng tôi cũng làm cho người đọc hiểu nhầm, đáng lẽ phương án 2 phải chuyển lên phương án 1, chứng minh giả định ở phương án 2 và từ đó lập luận để thấy phương án 1 là khả thi nhất”, ông Quang nói.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, để xây dựng Luật về máu và tế bào gốc phải dựa trên bằng chứng khoa học.


Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

“Bộ Y tế lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện nhưng làm thế nào để chứng minh hiến máu tình nguyện là tối ưu thì phải đưa ra giả định. Trường hợp này giả định là hiến máu bắt buộc”, ông Quang nói.

Ông Quang lý giải thêm, không thể bắt buộc hiến máu vì nó liên quan đến quyền con người. Hơn nữa, nếu quy định bắt buộc thì với 90 triệu dân sẽ có 46 triệu người phải hiến máu bắt buộc. “Như thế chúng ta sẽ có nguồn máu đầy đủ và ổn định, nhưng dư thừa khá lớn, quá lãng phí. Bộ Y tế không theo đuổi mục tiêu này”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định.

Ngoài ra, nếu hiến máu bắt buộc thì một năm tiêu tốn 4.180 tỷ, trong khi hiến máu tình nguyện như hiện nay với 18,2 triệu người hiến máu thì chỉ tiêu tốn 2.000 tỷ.

Bộ Y tế cũng tham khảo luật pháp quốc tế thì không có nước nào quy định hiến máu bắt buộc.

“Việc hiến máu tình nguyện hiện trong 2-3 năm gần đây đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh, lại tiết kiệm được nhiều chi phí. Năm 2016 toàn quốc vận động, tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu; đạt 1,52% dân số hiến máu.

Nếu chiếu theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi quốc gia chỉ cần 2% dân số hiến máu tình nguyện thì lượng máu đủ nhu cầu điều trị. Hiện tại, Việt Nam còn thiếu tỉ lệ 0,48% dân số hiến máu. Trong khi đó, phong trào hiến máu tình nguyện đang lan rộng trong thanh thiếu niên, nhiều tầng lớp người dân. Nếu đẩy mạnh thêm kinh phí cho tuyên truyền, thúc đẩy hiến máu tình nguyện, khi nào đạt tỷ lệ chiếm 2% dân số hiến máu thì phong trào hiến máu đạt ngưỡng thỏa mãn nhu cầu điều trị của người dân”, ông Quang cho biết.

Theo ông Quang, sau khi xem xét về khía cạnh quyền con trong Hiến pháp, tham khảo luật pháp quốc tế, nguồn và nhu cầu về máu, kinh tế và xét về hình thức đang thực hiện thành công trên thực tiễn, so sánh với giả định hiến máu bắt buộc tốn kém và nhiều bất cập, Bộ Y tế lựa chọn phương án khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, hệ thống pháp luật, hội nhập quốc tế là duy trì hiến máu tình nguyện hiến máu tình nguyện.

Hiện nay, để thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã có kế hoạch phê duyệt và triển khai kế hoạch đến năm 2020, bằng các thể chế, cơ chế chính sách, thúc đẩy hiến máu tình nguyện. Mục tiêu đặt ra sẽ đạt được 2% dân số tham gia hiến máu thì sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị cho những bệnh nhân cần máu.

Hồng Hải