Ninh Bình:

Hiến “ánh sáng” cho người còn sống

(Dân trí) - Ở vùng quê nghèo ven biển lam lũ, người dân xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn còn khó khăn lắm, nhưng họ vẫn chia sẻ “kho báu” của mình với những người bất hạnh hơn họ. Đó chẳng phải là vàng, cũng không phải là bạc mà là “ánh sáng”.

Người ta nói “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, đôi mắt vừa là để nhìn nhận sự việc, sự vật và biểu hiện cả cảm xúc, thiếu đi đôi mắt, xung quanh sẽ chỉ còn lại một màu đen. Như thế đủ nói được đôi mắt có tầm quan trọng như thế nào. Chính vì thấu hiểu nỗi bất hạnh, khổ tâm của người khiếm thị, mà người dân xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình lại đang là nơi đứng đầu cả nước về hiến tặng giác mạc nhân đạo, đem lại ánh sáng cho người mù.

Danh sách 72 người đã hiến tặng giác mạc.
Danh sách 72 người đã hiến tặng giác mạc.

Xã Cồn Thoi vốn là một xã ven biển nghèo khó, với hơn 8.000 dân, trong đó có 87,6% dân số theo Đạo Thiên Chúa, nhưng người dân nơi đây luôn sẵn sàng chia sẻ “kho báu” của mình với những người bất hạnh hơn họ, đó không phải là vàng, cũng chẳng phải là bạc, đó là “ánh sáng”. Đây cũng là nơi có người đầu tiên của Việt Nam tự nguyện hiến đi ánh sáng của đời mình cho những người bất hạnh.

Cách đây ngót nghét gần chục năm trời, vào năm 2007, ở nước ta cái việc hiến giác mạc còn có cái gì đấy xa lạ và “ghê rợn” lắm. Nhưng thời điểm ấy, cụ Nguyễn Thị Hoa, ở xóm 8A lại tình nguyện đứng ra hiến giác mạc của mình cho người khác.

Câu chuyện bắt đầu từ việc một thanh niên tên là Sự người cùng xã đến nhà cụ Hoa chơi. Nghe anh Sự kể về người chị dâu của mình đang nằm viện ở Hà Nội điều trị về mắt, cụ Hoa liền bày tỏ ý định của mình sẽ hiến tặng “ánh sáng” của mình cho chị dâu của anh Sự, nếu bác sỹ làm được điều này.

Nói vậy, chứ lúc đấy anh Sự cũng chẳng chắc chắn lắm, đem tâm sự của cụ Hoa kể lại cho bác sỹ, không ngờ bác sỹ bảo làm được. Vậy là điều kiện cần và đủ đã có, nhưng khi về nói lại với gia đình cụ Hoa thì gia đình cụ lại phản đối kịch liệt lắm. Nhưng đã nói là làm, cụ Hoa cương quyết hiến đôi mắt của mình, thế nên cụ lên gặp cha xứ để trình bày sự việc.

Ban đầu, vị cha xứ khó xử lắm, nhưng khi nghe cụ Hoa trình bày, thấy được nghĩa cử cao đẹp ấy nên cha xứ đồng ý đến gia đình cụ Hoa khuyên bảo. Sau khi nghe cha xứ và cụ Hoa nói về nghĩa cử cao đẹp của mình, cả gia đình đồng ý để cụ Hoa viết đơn tự nguyện hiến mắt.

Khi cụ Hoa mất, đoàn giáo sư Viện Mắt Trung Ương mang đồ nghề về xã Cồn Thoi tiến hành lấy giác mạc, sự kiện này bắt đầu trở nên nổi tiếng khắp xã Cồn Thoi, đâu đâu cũng bàn tán về việc cụ Hoa hiến tặng giác mạc. Nhưng cũng từ đấy, Cồn Thoi trở thành một xã có phong trào hiến tặng giác mạc nổi tiếng khắp cả nước.

Danh sách 72 người đã hiến tặng giác mạc.
Chị Nguyễn Thị Lan, con gái ông Nguyễn Đình Tú, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Cồn Thoi cũng tham gia hiến giác mạc.

Ông Nguyễn Đình Tú, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Cồn Thoi, tự hào cho biết: "Tính đến nay cả nước ta mới có khoảng 200 người tham gia hiến giác mạc, nhưng ở Cồn Thoi đã có đến 72 người. Người dân quê tôi còn nghèo về vật chất, nhưng tấm lòng của họ thì bao la, giàu tình cảm lắm”.

Không nói đâu xa, chính con gái út của ông Tú, là chị Nguyễn Thị Lan vốn mắc bệnh tim bẩm sinh, biết mình bệnh nặng, khó qua khỏi, nên chị đã lặng lẽ giấu gia đình tự nguyện viến đơn xin hiến tặng giác mạc gửi lên Viện Mắt Trung Ương vào năm 2008. Đến giây phút cuối đời nằm trên giường bệnh chị Lan mới nói ra, vì sợ gia đình ngăn cản, nhưng khi biết được điều con gái mình làm, trong gia đình ai cũng thông cảm và tự hào về người con gái của mình.

Cũng bắt đầu từ đấy, ông Tú tham gia vào Hội chữ thập đỏ và kết hợp với linh mục giáo xứ Cồn Thoi đi tuyên truyền, vận động bà con hiểu về sự quý giá của đôi mắt đối với người mù. Những ngày đầu tuyên truyền, Hội cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt của bà con lắm, cái quan niệm “chết là phải toàn thây” ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Vậy nên Hội cùng với linh mục giáo xứ Cồn Thoi phải kiên trì lắm thực hiện công tác dân vận với người dân mới có được kết quả như ngày hôm nay.

Cụ Nguyễn Thị Hoa người đầu tiên hiến tặng giác mạc.
Cụ Nguyễn Thị Hoa người đầu tiên hiến tặng giác mạc.

 Đường vào xã Cồn Thoi, xã đi đầu trong phong trào hiến giác mạc.
 Đường vào xã Cồn Thoi - xã đi đầu trong phong trào hiến giác mạc.

Cụ Hoa là người đầu tiên trong xóm 8A, đứng ra hiến giác mạc, xóm nhỏ này cũng bắt đầu có số lượng người tham gia đông nhất. Cho đến nay, tổng số người ở xã Cồn Thoi có đơn tự nguyện hiến mắt đã lên đến 342 người. Trong đó, 6 người đã được Viện Mắt TƯ thực hiện trong năm nay.

Năm 2014, trong Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc diễn ra tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã biểu dương và cảm ơn những người hiến giác mạc và gia đình đã đóng góp một phần cơ thể của mình để đem lại sức khỏe cho những người khác.

Hiện nay 72 người hiến giác mạc được ông Tú lưu giữ hồ sơ rất cẩn thận, đó cũng chính là thứ mà người dân xã Cồn Thoi xem đó là “kho báu” quý hơn cả vàng lẫn bạc. Cái quan niệm “chết phải toàn thây” ở cái vùng ven biển này đã không còn tồn tại, thay vào đó là nghĩa cử cao đẹp, bắc ái. Họ muốn chia sẻ những gì đáng quý nhất của mình tới những người có số phận bất hạnh hơn họ

Đức Văn