Hết cảnh người bệnh ôm cục tiền đến viện, nơm nớp lo mất trộm

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế sẽ góp phần cải thiện các khâu chờ đợi; giảm nguy cơ mất trộm, mất cắp của người bệnh khi ôm cả cục tiền đi viện.

Tại Hội nghị trực tuyến Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế diễn ra sáng 20/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là xu thế tất yếu của thời đại.

Hết cảnh người bệnh ôm cục tiền đến viện, nơm nớp lo mất trộm - 1

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham quan khu trưng bày các giải pháp thanh toán điện tử của các ngân hàng tại hội nghị.

Trong ngành y tế, người dân đi khám chữa bệnh vẫn có thói quen mang theo nhiều tiền mặt. Trong túi người bệnh ít thì dăm ba triệu, nhiều cả chục triệu đồng để rồi lúc nào cũng nơm nớp lo cảnh móc túi, trộm cắp trong bệnh viện.

Hiện nay trong ngành y tế đã có 30 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không sử dụng tiền mặt vừa giúp giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán viện phí, vừa giúp giảm tải tình trạng mất trộm tại bệnh viện.

Theo Bộ trưởng Tiến, việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị quyết của Chính phủ là một nhiệm vụ chính trị của ngành y tế. Do đó cần quán triệt trong toàn ngành về ý nghĩa và lợi ích của phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Từ đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đơn vị và vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.

PGS.TS Trần Qúy Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cũng đánh giá việc triển khai thanh toán điện tử nhanh gọn sẽ giảm thời gian  chờ đợi xếp hàng, rút ngắn thời gian thanh toán viện phí, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí.

Người bệnh đi khám cũng không phải mang nhiều tiền mặt, góp phần giảm nhẹ áp lực mất mát tiền khi đi lại tàu xe trên đường và trong quá trình nằm điều trị; Người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán. Đây là bước tiến bộ, hiện đại và người dân chắc chắn được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện có 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử; chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi; nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa thanh toán không dùng tiền mặt của bệnh viện nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện còn thấp.

Thêm vào đó, kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn; phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí.

Vì thế, Bộ trưởng Y tế yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành phải có kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực và các điều kiện để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị; triển khai nhiều hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí, như: thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử.

Đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân.

Các bệnh viện cần phải bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón và hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các bước thanh toán viện phí không dùng tiền mặt một cách thuận tiện, dễ dàng.

Hồng Hải