1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hen phế quản do đâu?

(Dân trí) - Những cơn cấp tính hen phế quản thường tăng mạnh trong mùa đông - xuân. Theo các bác sĩ chuyên khoa đó là bởi sự phát tán mạnh của phấn hoa; thời tiết khắc nghiệt, nhiều biến động; cảm xúc, tâm tư xáo trộn...

1. Có hàng vạn dị nguyên gây hen phế quản như: bụi nhà, phấn hoa, lông thú vật, vi khuẩn, virus, thực phẩm, nấm mốc, côn trùng…

 

2. Tình trạng gắng sức quá mức. Cơn hen cấp tính có thể lên khi bệnh nhân quá gắng sức làm việc gì đó như leo cầu thang bộ, chạy…

 

3. Bị bệnh cảm cúm, nhiễm lạnh. Bình thường, người có cơ địa dị ứng đã rất dễ lên cơn hen do tác động của các dị nguyên. Nhưng khi người bệnh bị cúm, nhiễm lạnh thì càng là điều kiện thuận lợi để cơn hen tái phát. Vừa bị cúm, nhiễm lạnh vừa bị các dị nguyên “tấn công” thì khả năng lên cơn hen là rất cao.

 

4. Bị ảnh hưởng của các loại khói xe, khói thuốc lá, mùi than tổ ong, mùi vị thức ăn đặc biệt… cũng làm người bệnh dễ bị lên những cơn hen cấp tính.

 

5. Thay đổi thời tiết, nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh và ngược lại. Người bị hen phế quản cũng bị nặng hơn trong thời tiết lạnh. Điều này lý giải vì sao vào mùa đông - xuân, số người phải nhập viện vì hen phế quản tăng lên khoảng ¾ so với các mùa khác trong năm.

 

6. Tính chất nghề nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây hen phế quản. Những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường có nhiều bụi, tiếp xúc với nhiều loại hoá chất khác nhau có nguy cơ bị hen cao hơn những người khác.

 

7. Thuốc uống cũng là một nguyên nhân gây hen. Do vậy, người bệnh khi biết mình có tiền sử dị ứng với loại thuốc nào cần thận trọng khi dùng thuốc để tránh lên những cơn co thắt phế quản do dị ứng thuốc.

 

8. Cảm xúc là yếu tố tác động tương đối lớn đến người bị hen phế quản. Quá lo lắng, buồn đau, stress… đều có thể là những nguyên nhân gây hen.

 

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm