Hay quên có phải dấu hiệu bệnh sa sút trí tuệ?

(Dân trí) - TS.BS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị tâm thần người già, Viện sức khoẻ Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều người kêu với bác sĩ vì mình hay quên, đi đâu quên đó, lo ngại mắc bệnh sa sút trí tuệ (SSTT).

Nửa đêm bật dậy đòi… nấu cơm

TS An cho biết, bệnh sa sút trí tuệ không phải chứng hay quên mà nhiều chị em than mình mắc phải. Đây là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác,… Ngoài ra, người bệnh sa sút trí tuệ có thể có nhiều triệu chứng rối loạn tâm lý, hành vi và suy giảm chức năng nặng nề tùy từng thể, từng giai đoạn của bệnh.

Hay quên có phải dấu hiệu bệnh sa sút trí tuệ? - 1

Sa sút trí tuệ là bệnh khá phổ biến ở người cao tuổi. Ước tính có khoảng 10% người trên 60 tuổi bị chứng bệnh này. Trên thế giới cứ 3 giây sẽ có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ.

Trong số này bệnh Alziheimer gặp nhiều nhất, chiếm 60- 80% tổng số bệnh nhân. Nguy cơ mắc bệnh tăng mạnh theo độ tuổi. 

Theo bác sĩ An, biểu hiện sớm sa sút trí tuệ như: quên tên người rất quen biết hoặc hay lẫn lộn các sự kiến mới - cũ; cảm xúc không ổn định, hay bực dọc, thường phản ứng bùng nổ cảm xúc với bạn bè và người thân, xua đuổi mọi người không chịu tiếp xúc, gây ra các vấn đề tồi tệ, cảm xúc đối nghịch, chậm hiểu…. 

Giai đoạn đầu, người bệnh thường hay quên và thay đổi hành vi nhưng vẫn nhớ các sự kiện trong quá khứ nhưng đến giai đoạn muộn thì bệnh nhân sẽ mất hoàn toàn trí nhớ, mất khả năng phán đoán và suy luận, đặc biệt mọi hoạt động trong cuộc sống đều cần có người giúp đỡ.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai) dẫn chứng ca bệnh là người phụ nữ được các con đưa đến viện khám bởi tình trạng cứ 1 – 2 giờ sáng là bà bật dậy khỏi giường, bật điện sáng trưng rồi gọi con cái dậy nấu cơm.

Đây là một dạng sa sút trí tuệ rối loạn định hướng về không gian, thời gian. Người bệnh nhầm đêm là ngày, ngày là đêm, rối loạn định hướng về môi trường xung quanh.

Hay có bệnh nhân 80 tuổi cứ đêm đến là bật lửa thắp hương, rồi con cái hỏi bà định đi đâu thì luôn trả lời “bà đi lấy chồng rồi” khiến con cái phải tìm đủ cách đối phó, thay bếp ga thành bếp từ để bà không thể bật được bếp; cất bật lửa trên cao...

Những người bị rối loạn định hướng về không gian, thời gian, rối loạn định hướng về bản thân khi đi ra đường rất dễ lạc, không tìm ra nhà để về.

Đừng lạm dụng thốc bổ não

TS An cho biết, phần lớn các ca sa sút trí tuệ đều được đưa đến viện ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân vào viện thường có triệu chứng bệnh Alzheimer nặng đến mức không tự mặc được quần áo, thụ động, thậm chí có những hành vi bất thường, hoang tưởng, ảo giác, đặc biệt là mất ngủ.

Rất nhiều bệnh nhân khác vào viện trong tình trạng không ăn được, nói rất ít, khó giao tiếp, đi đâu cũng phải có người thân đi theo giám sát. Người bệnh chợt vui, chợt buồn, không nhận ra cả người thân.

TS An cho biết, Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để chữa khỏi các bệnh về sa sút trí tuệ,  tuy nhiên việc phát hiện sớm giúp người bệnh kiểm soát sớm bệnh, làm chậm quá trình sa sút, kéo dài thời gian ổn định, giảm gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.

Bác sĩ cũng lưu ý  tình trạng lạm dụng thuốc bổ não. Khoảng 90% bệnh nhân đến viện đều lạm dụng loại thuốc này. "Tôi thường khuyên người bệnh thay vì uống thuốc thì nên ra ngoài tập một bài thể dục, tăng cường vận động, giao tiếp còn hiệu quả hơn là uống thuốc”, TS Hà An nói.

10 biểu hiện của sa sút trí tuệ

1.Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hàng ngày.

2. Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề. 3. Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc. 4. Nhầm lẫn về thời gian và không gian.

5. Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian.

6. Phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/ đọc.

7. Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ.

8. Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định.

9. Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội.

10. Thay đổi cảm xúc và nhân cách.

Hồng Hải