Hãy nhắm mắt và mở lòng

(Dân trí) - Tính đến nay đã có hơn 35.000 người đăng ký hiến giác mạc, nhưng trong 10 năm qua, thực tế bệnh viện Mắt trung ương chỉ mới nhận được 494 người hiến tặng và tiến hành cấy ghép cho người bệnh.

Đăng ký nhiều, hiến ít

Ngày 30/11, Hội đồng bảo trợ Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã chính thức giới thiệu Dự án Chăm sóc mắt và hỗ trợ người khiếm thị mang tên Khát vọng sáng. Mục tiêu của dự án là hướng dẫn người dân cách chăm sóc và bảo vệ mắt; hỗ trợ, giúp đỡ người có bệnh lý về mắt và người khiếm thị; kêu gọi tinh thần nhân ái, sẻ chia và quan trọng nhất tuyên truyền để mọi người hiểu hơn về tinh thần san sẻ, sẵn sàng hiến tặng giác mạc để thay đổi cuộc đời người khiếm thị.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt dự án, ông Nguyễn Hữu Hoàng – Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt trung ương - cho biết: “Hiện nay, số lượng người cần hiến giác mạc rất nhiều. Tại Ngân hàng Mắt trung ương, số lượng người chờ hiến giác mạc khoảng 1.000 người trong khi đó mỗi năm chúng tôi chỉ có khoảng 200 giác mạc để cung cấp cho bệnh nhân”.

Con số 200 giác mạc cung cấp cũng 1 là tín hiệu khả quan, cho thấy tỷ lệ hiến tặng ngày càng cao. Chứ thực tế, thống kê từ năm 2007 đến nay chỉ có chính xác là 494 người đã hiến tặng giác mạc. Trong khi đó, theo danh sách đăng ký thì tính đến nay đã có hơn 35.000 người đăng ký hiến giác mạc.

Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người, thế nhưng chỉ có 200 người hiến giác mạc
Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người, thế nhưng chỉ có 200 người hiến giác mạc

Giải thích tình hình này, ông Hoàng cho biết: “Nguyên nhân số lượng người hiến và giác mạc nhận được chênh lệch là do định kiến sâu trong tiềm thức của người Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung: chết phải toàn thây. Chúng ta không thể một sớm một chiều mà thay đổi được quan điểm đó; nhanh thì 10 năm, 20 năm; lâu thì cả thế kỷ…”.

“Khi chúng tôi có phong trào đăng ký hiến giác mạc thì những người trẻ đăng ký rất nhiều. Tuy nhiên, giác mạc chỉ được lấy khi qua đời và được sự chấp thuận của gia đình. Đây là điều quan trọng nhất, vì người mất đồng ý nhưng gia đình không đồng ý thì chúng tôi không làm gì được cả!”, ông Hoàng thở dài.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng bảo trợ Trung ương Hội Chữ thập đỏ, cũng đồng tình: “Số giác mạc thực tế lấy được rất ít ỏi. Số người thực sự hiểu và quan tâm đến việc hiến giác mạc còn quá ít, định kiến về việc mất đi không nguyên vẹn còn quá nặng nề!”.

Hàng chục người bệnh đang rơi vào cảnh tuyệt vọng

Theo số liệu ban tổ chức dự án Khát vọng sáng cung cấp, Việt Nam hiện có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc. Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Họ đều đang chờ đợi được ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Thế nhưng, sự chờ đợi của hàng chục ngàn người bệnh đang rơi vào cảnh tuyệt vọng vì số lượng người hiến tặng quá ít ỏi, định kiến của cộng đồng còn quá nặng nề.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, chị Nguyễn Trần Thùy Dương và chị Lê Dương Thể Hạnh chia sẻ tại lễ ra mắt dự án Khát vọng sáng
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, chị Nguyễn Trần Thùy Dương và chị Lê Dương Thể Hạnh chia sẻ tại lễ ra mắt dự án Khát vọng sáng

Chị Nguyễn Trần Thùy Dương là mẹ của bé Hải An (bé gái 7 tuổi đã đồng ý hiến giác mạc sau khi qua đời, giúp tìm lại ánh sáng cho 2 người khác) cũng chia sẻ mình phải đối mặt với rất nhiều lời chỉ trích vì quyết định này.

Chị tâm sự: “Sau khi bé Hải An mất, bênh cạnh những lời khen tặng thì tôi cũng nhận không ít lời chỉ trích về việc hiến giác mạc của con gái. “Quyết định của chị thật quá đáng với con bé”, hay “Chị tắt ảnh đại diện của con bé đi, chị không xứng đáng”, “Thành người nổi tiếng có vui không?”... là những lời nhắn khiến tôi tổn thương. Tôi biết, mỗi người đều có suy nghĩ khác nhau nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng “cho đi là còn mãi”.

Theo chị Thùy Dương, điều quan trọng nhất là: “Tôi và gia đình hiến tặng giác mạc của con để mang lại ánh sáng cho những người khác. Hai người đã được ghép giác mạc của bé Hải An đều tiến triển tốt về khả năng nhìn. Tôi mong muốn mọi người có cái nhìn thoáng hơn về hiến giác mạc. 1 người cho đi, 2 người nhận lại; 2 người cho đi, 4 người nhận lại; và cứ thế yêu thương sẽ đến gần hơn với chúng ta!”.

Tham dự lễ ra mắt dự án Khát vọng sáng còn có chị Lê Dương Thể Hạnh, 1 thiếu nữ thanh xuân đang có tương lai tươi đẹp, đang dự định làm đám cưới thì bị mù vì chứng bệnh quái ác.

Chị Thể Hạnh chia sẻ: “Điều nặng nề nhất đối với tôi là thị lực vĩnh viễn mất đi. Trước những biến cố ập đến với mình, quá kinh khủng, không thể hình dung được. Lúc đó, tôi trở nên khép kín, sống thu mình lại. Tôi không muốn tiếp xúc với ai và từng có ý nghĩ tự tử…”.

Dù bây giờ đã vượt qua nhưng chị Hạnh vẫn còn rùng mình khi nhớ lại những ngày tuyệt vọng ấy. Chị tâm sự: “Tôi từng là người sống và làm việc trong ánh sáng, tôi cảm nhận được sự quan trọng của thị lực cần thiết như thế nào trong cuộc sống. Nên tôi tha thiết mong muốn lan tỏa thông điệp của chương trình đến mọi người: bạn ơi xin một lần nhắm mắt lại và cảm nhận bằng trái tim. Có lẽ lúc đấy bạn sẽ hiểu được phần nào tâm trạng của người khiếm thị phải trải qua!”.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết thêm: “Có một quan niệm sai lầm về hiến giác mạc mà nhiều người lầm tưởng đó là lấy đi cả con mắt, ảnh hưởng tới khuôn mặt. Thật sự, chúng tôi chỉ bóc tách giác mạc, một lớp màng mỏng trong suốt nằm trước lòng đen. Sau khi lấy đi, khuôn mặt người hiến không có gì thay đồi và việc tách giác mạc chỉ diễn ra trong 30 phút”.

Do đó, ông Hoàng kêu gọi: “Cuộc sống ở dương thế của chúng ta không có gì là mãi mãi. Việc sinh tử là điều hiển nhiên. Trong khi đó, phần mô tạng của mình có thể tặng lại và hiện hữu trên cơ thể người khác. Đó là điều rất ý nghĩa và đáng tự hào!”.

Tùng Nguyên