Hầu hết bệnh nhân ngộ độc nấm đã tử vong

(Dân trí) - Tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) tiếp nhận thêm bệnh nhân ngộ độc nấm. Phần lớn bệnh nhân trong 4 đợt ngộ độc nấm độc đều đã tử vong.

Ngày 25/4, tin từ Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, kể từ 9/3 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 4 đợt bệnh nhân ngộ độc nấm, trong đó, đợt gần nhất có một bệnh nhân là thai phụ (mang thai 4 tháng) được chuyển đến từ Tuyên Quang. Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân rất nặng do thai chết lưu, bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng.

4/5 bệnh nhân ngộ độc nấm đợt đầu nhập viện ngày 9/3 đã tử vong
4/5 bệnh nhân ngộ độc nấm đợt đầu nhập viện ngày 9/3 đã tử vong

Với 5 bệnh nhân nhập viện đợt 1 (9/3) được chuyển đến từ Võ Nhai, Thái Nguyên thì đã có tới 4 bệnh nhân tử vong, chỉ duy nhất ông Triệu Nho Phú (chồng bà Hồi) là đã qua nguy kịch.

Nhóm 5 người được chuyển xuống từ Thái Nguyên cũng đã có tới 3 trường hợp tử vong. Còn lại hai bệnh nhân diễn biến khá hơn trong đó có 1 bệnh nhân rất nặng, đã ở trong tình trạng hôn mê gan, phải thở máy, nguy cơ tử vong rất cao nhưng sau quá trình điều trị có tiến triển khả quan hơn, hiện bệnh nhân đã tỉnh táo hơn, nhiều khả năng sẽ qua nguy kịch.

Nhóm bệnh nhân 4 người được chuyển đến từ Tuyên Quang đã có hai trường hợp xin về, chắc chắn sẽ tử vong. Hai trường hợp còn lại đều tiến triển tốt hơn. Tuy nhiên, vì bệnh nhân tử vong là con cháu, ruột nên hai bệnh nhân này kiên quyết đòi về đưa ma con cháu. “Trong hai bệnh nhân này, một bệnh nhân nhiều khả năng qua khỏi, bệnh nhân còn lại rất khó tiên lượng vì tình trạng men gan cao vẫn còn”, một bác sĩ điều trị cho biết.

Như vậy đến nay tại Trung tâm chống độc chỉ còn 4 (trong tổng số 15 bệnh nhân ngộ độc nấm) nằm điều trị, trong đó 3 bệnh nhân tiến triển tốt, nhiều khả năng hồi phục và một trường hợp là thai phụ thai chết lưu đang phải thở máy nguy kịch.

 Trước thực trạng bệnh nhân ngộ độc nấm có xu hướng tăng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã có công điện khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh phía Bắc và yêu cầu các đồng chí Giám đốc Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp "Tăng cường triển khai công tác phòng chống ngộ độc do nấm độc".

 

Theo đó, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm do nấm độc đến tận hộ gia đình bằng mọi hình thức và bằng các phương tiện truyền thông trên địa bàn với các vật liệu truyền thông bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc; truyền thông qua các Trưởng tộc, Trưởng họ, Trưởng bản để đến những người ở trên nương rẫy, ở sâu trong rừng; kết hợp tuyên truyền cho học sinh ở các trường học để mọi người dân tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại.

 

Chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh, cấp cứu và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, chú ý sử dụng than hoạt tính và thuốc nhuận tràng cho bệnh nhân và cả ca bệnh nghi ngờ.

Tú Anh